MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHÍNH PHỦ SỐ CHƯA HOÀN THIỆN

15/08/2022

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số quốc gia không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, mà còn mang lại hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Lượng hóa kết quả thưc hành tiết kiệm, chống lãng phí

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Còn tình trạng "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư"

Môi trường pháp lý phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số chưa hoàn thiện.

Đánh giá của Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) rà soát kết quả bước đầu thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, từng bước hoàn chỉnh nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương; hình thành trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các cơ sở dữ liệu quốc gia từng bước được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác, hoạt động. An toàn thông tin mạng được tăng cường và có cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử và đã đem lại những kết quả tích cực thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả làm việc bước đầu của Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong đó, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu đã chia sẻ dữ liệu của 14 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia với hơn 200 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; 2 năm qua, đã thực hiện trên 8 triệu giao dịch chính thức.

Xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được cải thiện, từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước đạt 90,81%; trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước được cung cấp trực tuyến mức 3, mức 4; dịch vụ công trực tuyến mức 4 toàn quốc đạt 30,86%.

Tuy nhiên, môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số chưa hoàn thiện, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử chưa được ban hành, như: Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2014 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”. Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư và Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia chưa được hình thành đầy đủ và liên thông phục vụ các lĩnh vực quản lý; hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến còn hạn chế. Tình trạng mua sắm thiết bị nhưng không phát huy được tính năng khai thác, không đồng bộ với xây dựng phần mềm, đào tạo nhân lực; không liên thông, còn trùng lặp trong xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn phổ biến ở các cấp, cách ngành làm hạn chế hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước….

Đánh giá hiệu quả việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển toàn cầu. Khẳng định, chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ lớn trong bối cảnh thực hiện cách mạng 4.0, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết có tới 70% doanh nghiệp chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn, có tình trạng lãng phí công nghệ, lãng phí thời gian, lãng phí nhân lực trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, chuyển đổi số quốc gia là chặng đường dài, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá hiệu quả đến thời điểm này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời báo chí và khẳng định để biết hiệu quả của chuyển đổi số thì phải hạch toán số chi và hiệu quả đem lại, tức là giá trị tạo ra phải lớn hơn chi phí; phải coi chuyển đổi số là dự án lớn có đầu tư và hiệu quả thu về.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, chuyển đổi số quốc gia đây là chặng đường dài nhưng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá hiệu quả đã thực hiện như thế nào. Tại Nghị quyết 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Quốc hội quyết định bổ sung 113 nghìn tỷ phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có đầu tư cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa trình Quốc hội dự kiến đầu tư 19 dự án công nghệ thông tin. Hiện các dự án này mới hoàn thiện đến khâu quyết định chủ trương, trình Chính phủ, sau đó mới trình Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mục tiêu ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 là triển khai kịp thời nhằm phục hồi kinh tế nhưng đã hơn một năm vẫn chưa trình danh mục cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; đề nghị với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp xây dựng dự án cần đánh giá tiến độ, hiệu quả triển khai chậm, nguyên nhân của tình trạng này?

Quan tâm đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống này có mục tiêu là đồng bộ, liên thông, hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ hơn về việc khai thác, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi trong thực tế, giữa các cơ quan vẫn chưa có sự liên thông về dữ liệu thông tin về hộ khẩu, dẫn đến vẫn còn tình trạng phải yêu cầu xác nhận bằng hộ khẩu giấy và các thủ tục hành chính khác. Với trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan liên quan như thế nào đẩy nhanh tiến độ tích hợp thông tin trên thẻ căn cước công dân để cơ quan quản lý khai thác hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi

Đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hai văn bản quan trọng, trong đó có danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin (Thông tư 39 năm 2017 và Nghị định 73 năm 2019), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho rằng, hai văn bản này đã tạo hành lang, căn cứ trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và thuê các dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước. Các văn bản này rất quan trọng, bởi các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai Chính phủ số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, hiện nay các Bộ, ngành địa phương sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho lĩnh vực này tương đối lớn và được triển khai liên tục. Mặc dù vậy, theo đại biểu việc bổ sung, nâng cấp công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được triển khai liên lục nhưng nhiều ứng dụng mang tính riêng lẻ, thiếu sự kết nối để phối hợp khai thác giữa các bộ, ngành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi quản lý của mình có đánh giá về hiệu quả sử dụng của các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mà các bộ, ngành triển khai thời gian qua, có đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không? Đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện chuyên đề riêng đối với việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Về nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, tính đến tháng 12/2020 có 22 Bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu ở cấp bộ và tỉnh; đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra thực tế hiệu quả sử dụng đến đâu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cũng tán thành với kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số và cung cấp dịch vụ công. Bởi việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này không chỉ giúp quản lý thu thuế đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng số, mà còn quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. Trong khi đó, các biện pháp hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tự đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và tự kê khai nộp thuế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến quan tâm đến các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị quốc gia, thực hiện công khai minh bạch, tiết kiệm chống lãng phí. Đây là lĩnh vực quan trọng, bởi để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia còn nhiều việc tiếp tục triển khai; đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá sâu hơn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại…

6 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu tăng trên 30 lần.

Giải trình với Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện có hàng chục ngàn các phần mềm đang được ứng dụng tại các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng phần mềm kết nối với các địa phương, các bộ ngành để giám sát các dự án đầu tư. Đây là lần đầu tiên triển khai, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ có nền tảng phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng Cổng điện tử để công khai tất cả dự án công nghệ thông tin, trong đó cung cấp đầy đủ giá thành, chức năng của từng phần mềm để các đơn vị tham khảo.

Đối với việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 6 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch kết nối giữa các địa phương với các địa phương, địa phương với Bộ, ngành tăng trên 30 lần, điều này cho thấy, sự kết nối, chia sẻ dữ liệu đạt được kết quả tích cực.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Giải trình về việc người dân có sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay gần 100% dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai. Tính đến cuối năm 2021 chỉ có khoảng 25% hồ sơ được xử lý trực tuyến; năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 60% hồ sơ được giải quyết trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung triển khai xây dựng các Luật liên quan đến những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, Chính phủ số như các Luật: Công nghiệp công nghệ số. Đây là những lĩnh vực phát triển mới do sự phát triển của công nghệ, cách mạng 4.0 chưa được Luật hóa cần được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc thù của Việt Nam để tổ chức xây dựng và trình Quốc hội ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ thống nhất để quản lý có hiệu quả thúc đẩy lĩnh vực phát.

Bộ cũng triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đối với các quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý điều hành và thực thi trên mọi lĩnh vực: quản lý ngân sách, quản lý đầu tư công, quản lý tài sản, tài chính kế toán. Đồng thời, tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gắn các mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, gắn với các mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 – 2025./.

Lan Hương