GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: NHIỀU SAI PHẠM TRONG ĐẦU TƯ CÔNG PHẢI XỬ LÝ HÌNH SỰ

15/08/2022

Tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai đã tạo bước đột phá trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần sớm được tháo gỡ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Có tình trạng "xếp hàng, nhận chỗ" trong danh mục đầu tư công trung hạn

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học sau khi triển khai không có sản phẩm

Đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân hàng năm đạt khoảng 83,4%. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, ước đạt 35,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu trong xã hội giảm mạnh do đại dịch Covid-19, việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công có ý đặc biệt quan trọng, vừa kích thích chi tiêu trong ngắn hạn, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, vừa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ lâu dài cho nền kinh tế.

Lần đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn: Bước đột phá trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Tổ trưởng Tổ công tác (Đoàn giám sát) cho biết, kết quả rà soát bước đầu về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy, Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được thực hiện là bước đột phá trong giai đoạn 2016-2021, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công; nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa Kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm. Mặc dù lần đầu tiên thực hiện, nhưng với quyết tâm cao nên việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển cơ bản gắn với khả năng cân đối nguồn lực; kỷ luật tài chính về đầu tư công được tăng cường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.

Việc triển khai Kế hoạch đầu tư công đã góp phần khắc phục nhiều hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như: đầu tư dàn trải, lãng phí ở hàng loạt dự án, dẫn đến phải đình, gián, hoãn tiến độ. Số lượng dự án đã thu hẹp, chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước. Tỷ lệ dự án khởi công mới chỉ chiếm khoảng 38%, khoảng hơn 4.200 dự án khởi công mới, trên tổng số khoảng 11.100 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình với nhận định của Tổ công tác và khẳng định: “Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đã mang lại mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tránh dàn trải. Nếu như trước đây cả nước có hàng chục ngàn dự án đầu tư công thì giai đoạn 2016-2020 còn khoảng 5 ngàn dự án. Tình trạng dự án phê, duyệt, đầu tư giữa chừng, không có vốn phỉa dừng lại đã giảm đáng kể, đây là thành công lớn trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này”.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ công tác, cũng như báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắng nhìn nhận: Do lần đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt là công tác rà soát, thẩm định chủ trương đầu tư các dự án, các văn bản hướng dẫn chưa ban hành kịp thời dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án chậm, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn nhiều lần. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động nguồn lực, điều kiện triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, trình Chính phủ nhiều văn bản, góp phần hoàn thiện một bước pháp luật về đầu tư công, tạo thêm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đã tham mưu ban hành Luật Đầu tư công 2019, tạo cơ sở pháp lý minh bạch hơn trong quy trình quản lý đầu tư công, hạn chế lãng phí thời gian, nguồn lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quyết liệt trong đề xuất cơ cấu lại vốn đầu tư công và đạt kết quả bước đầu tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, theo đó đã tiết kiệm chi từ ngân sách nhà nước. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ mức bình quân 39,11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống mức bình quân 34%.

Nhiều sai phạm trong đầu tư công phải xử lý hình sự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Tổ trưởng Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021) cho biết, mặc dù giai đoạn 2016-2021 việc thực hiện phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng tại một số dự án còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.

Theo Báo cáo ngày 27/6/2022 của Bộ Công an, có 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử, kết quả xử lý cho thấy các trường hợp sai phạm đã gây thất thoát, lãng phí 31.795.177 triệu đồng, trong đó tại địa phương là 19.464.825 triệu đồng; tại trung ương là 12.330.352 triệu đồng. Các Bộ để xả ra thất thoát, lãng phí lớn trong thực hiện kế hoạch đầu tư công là: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Số lượng các dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, dự án có thất thoát lãng phí trong giai đoạn 2016-2020 khá lớn. Đáng nói là số dự án chậm tiến độ tăng liên tục theo từng năm, từ 1.448 dự án năm 2016 lên 1.867 dự án vào năm 2020. Số dự án có thất thoát, lãng phí cũng không giảm, năm 2016 là 590 dự án, năm 2020 là 923 dự án.

Đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ các con số nêu trong báo cáo. Tại sao số dự án chậm tiến độ tăng dần trong giai đoạn 2016-2021, nguyên nhân do đâu?. Bên cạnh đó, vi phạm quy định về thủ tục đầu tư dự án đầu tư công có sự đột biến trong năm 2017 (225 dự án) trong khi các năm 2016, 2018, 2019, 2020 dưới 30 dự án vi phạm; phải chăng kiểm tra nhiều nên phát hiện nhiều vi phạm?. Số liệu về thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư công được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đầy đủ và chính xác, tại sao có sự tăng đột biến vào năm 2017 (840 dự án) và năm 2020 (923 dự án).

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 phát biểu tại buổi giám sát.

Báo cáo của Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) cũng nêu một số tồn tại, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Cụ thể: Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định; việc phân cấp mạnh cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, trong giao kế hoạch trung hạn theo danh mục… dẫn đến có lúc, có nơi thể hiện tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ tái diễn đầu tư dàn trải, lãng phí; Việc phân quyền chưa gắn với trách nhiệm cá nhân; Trình tự, thủ tục tuy được cải thiện nhưng còn phức tạp; Một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn, thủ tục còn rườm rà, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, đầu thầu còn vướng mắc.

Chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế, một số trường hợp chưa tuân thủ quy định pháp luật, thời gian thực hiện kéo dài, ở một số dự án còn tình trạng phân bổ vốn dàn trải, cào bằng; đăng ký kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát nêu thực tế, trước đây chưa có Kế hoạch đầu cư công trung hạn, năm nào cũng chờ tiền để triển khai dự án, nhưng hiện nay có Kế hoạch đầu tư trung hạn lại xảy ra tình trạng có tiền lại không dùng đến. Điều này đặt ra vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư gây lãng phí cơ hội đối với dự án cần vốn nhưng không triển khai được. Có nhiều nguyên nhân như trách nhiệm của người đứng đầu, thủ tục đầu tư nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chất lượng trong khâu chuẩn bị dự án đang có vấn đề, bên cạnh đó còn có tình trạng “chạy dự án”, “ghi tên đánh trống”, “xếp xếp hàng nhận chỗ” trong danh mục đầu tư công trung hạn. Đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hiệu quả trong công tác quản lý, nêu các tiêu chí xếp hạng dự án, chấm điểm rõ ràng để đảm bảo công khai minh bạch trong phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một số ý kiến tại buổi giám sát cũng nêu tồn tại khiến việc thực đầu tư công chưa hiệu quả ở một số địa phương, như phương án phân bổ của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, bố trí vốn không đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn lực, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc sử dụng nguồn dự phòng 10% để lại tại Bộ, ngành, địa phương còn dàn trải dẫn đến số lượng dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 dù đã giảm so với giai đoạn trước, nhưng số dự án mới vẫn lớn, gây áp lực đến cân đối nguồn lực giai đoạn 2021-2025.

Một số địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa đủ thủ tục, chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt không đúng thẩm quyền; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn, thời gian thực hiện dự án; khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý dẫn đến phải điều chỉnh quy mô; xác định tổng mức đầu tư thiếu chính sác, điều chỉnh nhiều lần.

Tiến độ giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm, do các địa phương chậm triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư tại nhiều địa phương, bộ, ngành dẫn đến giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, phải giao nhiều lần…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm đồng tình với Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi giám sát đã nêu số liệu phản ánh bức tranh thực hiện các dự án đầu tư công ở Việt Nam còn nhiều vấn đề nổi cộm ở các địa phương và các bộ ngành. Từ việc chậm trễ trong xây dựng kế hoạch, đến việc giao vốn, quản lý, sử dụng vốn, chuyển nguồn lớn, triển khai dự án chậm tiến độ, đội vốn kéo dài, sai phạm, thất thoát lãng phí nhiều tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là thực trạng đã hiểu, đã rõ, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến đâu trong việc để xảy ra tình trạng này, bởi đây là vấn đề đang ngày càng nóng, càng bức xúc.

Đại biểu đặt câu hỏi, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý trách nhiệm của những sai phạm, lãng phí đã được Bộ làm hết trách nhiệm hay chưa? Báo cáo của Bộ trong 5 năm thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi về ngân sách 1,826 tỷ động trong nội bộ ngành có tương xứng với các dự án trong ngành đã triển khai không?; Kết quả thanh tra tại các địa phương đã ban hành 47 kết luận, kiến nghị xử lý 762 tỷ đồng, liệu đã đúng với lĩnh vực quản lý so với số tiền đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng trong 5 năm qua? Trách nhiệm quản lý nhà nước, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý sai phạm được thực hiện như thế nào? Trong khi đó, năm nào Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo trước Quốc hội một loạt giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công như xử lý trách nhiệm người đứng đầu, điều chuyển vốn không giải ngân sang nơi có thể giải ngân… Giải pháp là vậy, nhưng kết quả chưa rõ, có xử lý được người có trách nhiệm, điều chuyển bao nhiêu trong tổng số dự án chậm giải ngân.

Đại biểu Trần Văn Lâm lo ngại về số chuyển nguồn hàng năm tại một số địa phương gần 50% tổng số vốn; nếu tiếp tục dồn lại, số dư chuyển nguồn của các năm còn lớn hơn số đi vay để đầu tư. Đây có phải là sự lãng phí lớn?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi

Dưới góc độ giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ cách thức tổng hợp thông tin để phục vụ công tác đánh giá và giám sát tổng thể công tác đầu tư công trong cả nước. Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả sau đầu tư để đánh giá rõ việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn rất cần thiết để tránh lãng phí ngân sách nhà nước, bởi thực tế, nhiều công trình giao thông, cơ sở hạ tầng sau một thời gian đã có sự cố về chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Giải trình những vấn đề thành viên Đoàn Giám sát của Quốc nội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc phân bổ vốn đầu tư công hiện đã giao cho các địa phương thực hiện. Trung ương chỉ tiến hành giao một đợt vào 30 tháng 11 của năm trước, sau đó các địa phương giao trước 30 tháng 12 của năm trước. Còn việc giao chi tiết nguồn vốn đầu tư công do địa phương triển khai theo trình tự, quyết định đầu tư quy định trong Luật Đầu tư công. Đến thời điểm này, vẫn còn một số địa phương chưa giao hết số vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành hàng chục văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ vốn.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng có nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, giá đất, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, dịch bệnh Covid-19… Những vướng mắc này bên cạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu chưa cao, có một phần do những vướng mắc, chồng chéo của  văn bản pháp luật, như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây xựng, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các khâu trong quy trình giải ngân vốn đầu tư công lại không thể thực hiện đồng thời, mà theo từng quy trình và xong khâu này mới đến khâu kia nên mất nhiều thời gian./.

Lan Hương - Nghĩa Đức