CẦN TRÁNH LẶP LẠI NHỮNG HẠN CHẾ ĐÃ TỪNG XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CÁC CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

13/08/2022

Góp ý tham vấn Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc”, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước cho rằng, trong quá trình xây dựng các chính sách cho các DTTS và vùng DTTS cần chú ý tránh lặp lại những hạn chế đã từng xảy ra, xác định rõ khung thời gian tối đa hoàn thành các mục tiêu, đồng thời phải công khai, minh bạch các chính sách dân tộc...

Tham vấn đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc

Toàn cảnh Phiên họp 

Góp ý vào Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc”, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có đa tộc người thống nhất trong một dân tộc Việt Nam, văn hóa dân tộc Việt Nam rất giàu bản sắc thống nhất trong đa dạng. Do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan của mỗi dân tộc và của cả nước qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, mà ngày nay các dân tộc ở Việt Nam phát triển không đồng đều trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng nhìn chung, trên các chỉ số phát triển cơ bản qua thống kê quốc gia hàng năm đều cho thấy, vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, thua kém hơn so với thành thị; 52 dân tộc thiếu số (trừ người Hoa) và vùng dân tộc thiểu số thua kém với nhiều mức độ hơn so với mức trung bình của nông dâm và vùng nông thôn của cả nước.

Từ những lý do trên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, khi nói đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là nói đến một bộ phận lớn, đặc biệt của nông dân Việt Nam, là những đối tượng nghèo nhất, yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất, thậm chí dễ bị cư xử bất bình đẳng nhất. Đồng thời đề nghị Đảng và Nhà nước tập trung vào 12 chính sách lớn cần thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay. Nếu làm tốt thì sẽ giúp các dân tộc thiểu số tự thân vận động chủ động giải quyết được các khó khăn, thách thức khác.

(1) Đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong vùng DTTS. Cần kiên định xây dựng các điểm dân cư tập trung có trên 40 hộ ở các tỉnh Tây Bắc và biên giới phía Bắc. Cần sớm khắc phục cơ bản tình hình dân cư ở phân tán vài ba hộ trên một quả núi như ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ quy hoạch, xây dựng hoàn thiện các Trung tâm xã và Trung tâm Cụm xã để làm nhiệm vụ là động lực, là trung tâm phát triển, đầu kéo thúc đẩy cả xã và vùng sâu, vùng xa phát triển.

(2) Tập trung các giải pháp (luật, chính sách, tuyên truyền, vận động, xử phạt hành chính, hình sự...) giải quyết cơ bản dứt điểm tình trạng di cư tự do vào các khu rừng tự ý phá rừng dựng nhà, lập làng; tái du canh du cư.

(3) Đầu tư, hỗ trợ các DTTS phát triển sản xuất, hội nhập vào cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

(4) Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các DTTS.

(5) Chăm lo sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong vùng DTTS.

(6) Đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn; phấn đấu giảm mạnh số xã đặc biệt khó khăn, số huyên nghèo nhất nước; đến năm 2025 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

(7) Đầu tư giúp các DTTS khắc phục những khó khăn đặc thù.

(8) Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nghệ nhân dân gian của các DTTS.

(9) Đổi mới việc quản lý đất đai và rừng trong vùng DTTS.

(10) Quản lý tài nguyên và đảm bảo môi trường sinh thái vùng DTTS.

(11) Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ ở cơ sở vùng DTTS, nhất là đối với cán bộ người dân tộc tại chỗ (hay còn gọi là người dân tộc gốc ở địa phương).

(12) Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài và người có uy tín trong vùng DTTS.

Cần tránh lặp lại những hạn chế đã từng xảy ra trong quá trình xây dựng các chính sách dân tộc

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước

Trong quá trình xây dựng các chính sách cho các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần chú ý tránh lặp lại những hạn chế đã từng xảy ra.

Trước hết, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, cơ sở để đề xuất, kiến nghị về chính sách Dân tộc phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, vào căn cứ Hiến pháp, pháp luật; từ thực tiễn của đất nước và khả năng của nền kinh tế Quốc gia. Có những vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc đã được Đảng xác định trong các văn kiện, nghị quyết nhưng chưa được thể hiện hoặc thể hiện một cách chưa đầy đủ trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa vùng dân tộc; chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính sách đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ dân tộc. Bên cạnh đó, có nội dung được quy định trong luật nhưng chưa được Chính phủ cụ thể hóa dưới luật để tổ chức thực hiện.

Một số nội dung được thể chế hóa liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc còn mang tính khái quát, định hướng chính sách chung, khó cụ thể hóa ở các văn bản hướng dẫn, nên chưa đảm bảo được nguyên tắc phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền trong những chính sách và trường hợp cần thiết. Nhất là các mức hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước cho các dân tộc, các vùng miền trong một chính sách thường như nhau...

Theo nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, phần lớn các quy định thực hiện chính sách dân tộc cụ thể hiện nay do Chính phủ ban hành, nhiều chính sách mang tính ngắn hạn đa dạng về nội dung nhưng phân tán, dàn trải về nguồn lực hỗ trợ; có những chính sách kéo dài hàng chục năm chưa có dấu hiệu kết thúc. Có không ít chính sách có vài nội dung trùng nhau. Cơ chế quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách cần khắc phục như nhiều cơ quan tham gia nhưng không phát huy hết khả năng, còn ràng buộc lẫn nhau; vai trò cơ quan chủ trì rất mờ nhạt...

Quan trọng nhất của chính sách là cần có cơ chế để phát huy được nội lực phấn đấu vươn lên của đối tượng thụ hưởng chính sách. Khắc phục tình trạng tự ti, ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Giái pháp căn cơ khắc phục một số tồn tại, hạn chế

Từ những thực tế đó, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị trong các chính sách cho dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, cần xác định rõ khung thời gian tối đa hoàn thành các mục tiêu. Đồng thời phải công khai, minh bạch các chính sách, các nguồn lực và các kế hoạch tổ chức thực hiện cho toàn dân biết, cùng bàn, góp ý để thực hiện, giám sát và kiểm tra.

Bên cạnh đó, cần phải có sự tham gia (nhân lực, tài lực, vật lực...) của địa bàn (cộng đồng nơi đó), các hộ và người dân (các đối tượng thụ hưởng chính sách). Đó là những nhân tố có vai trò quyết định thành công của chính sách. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, các cấp ủy, chính quyền phải đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nếu không làm được việc này thì kết quả sẽ rất hạn chế. Thường khó khăn nhất là giao thông, thủy lợi và giảm nghèo. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kiến nghị, trong lãnh đạo chỉ đạo cần đầu tư rất nhiều vào các nội dung này, xác định rõ nguyên nhân, tìm các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề xuất thêm giải pháp về nguồn lực chính sách và cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, các chính sách, chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung, và cho DTTS, vùng DTTS nói riêng rất cần nguồn lực lớn hơn nhiều so với trước đây. Vai trò nguồn ngân sách trong thực hiện các chính sách cho DTTS và vùng DTTS rất quan trọng. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, Quốc hội khi đã ban hành chương trình mục tiêu, các dự án thì phải đảm bảo phần nguồn lực từ ngân sách và các giải pháp huy động vốn từ các nguồn lực ngoài ngân sách.

Đề nghị Chính phủ cần khắc phục tình trạng cấp vốn hàng năm rất chậm, có nhiều địa phương nhận được vốn nhưng không triển khai được ngay vì thời tiết thời điểm đó không thuận lợi (mưa, bão, lũ...). Đồng thời hướng tới phương thức cấp vốn giảm nghèo và đầu tư một số công trình phục vụ cộng đồng có điều kiện ràng buộc.

Đề cập đến việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu rõ, có thể huy động nguồn lực từ cộng đồng hay huy động các nguồn lực khác ở trong nước. Ngoài ra, tiếp tục kêu goi và tạo điều kiện cho các nước, tổ chức, cá nhân ngoài nước tham gia đóng góp nguồn lực vào giải quyết các khó khăn, thách thức của vùng đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo nhất nước./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác