Tham vấn xây dựng Đề án Nghiên cứu, đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật
Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIV Hà Ngọc Chiến; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Cao Thị Xuân, Trần Thị Hoa Ry, Quàng Văn Hương, Đinh Thị Phương Lan; các Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, cùng các chuyên gia…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH15 ngày 24/6/2021, xác định 107 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, yêu cầu HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội xây dựng Đề án đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc đã được xây dựng dựa trên những yêu cầu cơ bản, đó là:
Thứ nhất, kế thừa và phát huy có hiệu quả những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được của các khóa trước; tiếp tục đổi mới, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động của Hội đồng dân tộc.
Thứ hai, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động và đồng thời khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, hạn chế của Hội đồng Dân tộc.
Thứ ba, Hội thảo là diễn đàn các vị Đại biểu Quốc hội thành viên Hội đồng Dân tộc; các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với hoạt động lập pháp: Xác định hoạt động cụ thể của Hội đồng Dân tộc trong hoạt động thẩm tra dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc; thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh; cách thức, quy trình tham gia ý kiến đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc…
Thứ hai, trong hoạt động giám sát: Các nội dung cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan đến công tác dân tộc; hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc.
Thứ ba, trong hoạt động tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Hội đồng Dân tộc cần thực hiện thủ tục, quy trình, hoạt động, nội dung cụ thể nào đối với hoạt động quan trọng này.
Thứ tư, cần đổi mới, tăng cường về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc; việc tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc và các phiên họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc; hoạt động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ năm, về các điều kiện cần thiết hoạt động của Hội đồng Dân tộc; công tác tổ chức, biên chế, bảo đảm tham mưu, phục vụ của Vụ dân tộc đối với hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Báo cáo đề dẫn dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry khẳng định sự cần thiết xây dựng Đề án nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng đoàn Quốc hội giao và yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, dự thảo Đề án gồm 5 phần: "Sự cần thiết, cơ sở, mục đích, yêu cầu, phạm vi xây dựng Đề án; Thực trạng hoạt động của Hội đồng Dân tộc; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc; Tổ chức thực hiện; Kết luận và kiến nghị".
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trong 5 nội dung trên, Hội đồng Dân tộc xác định nội dung quan trọng nhất của Đề án là phần thứ ba.
Về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, Đề án tập trung vào 8 nhóm giải pháp. Theo đó, đổi mới phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc; đổi mới hoạt động của Thường trực và các Tiểu ban chuyên môn; đổi mới hoạt động lập pháp; đổi mới hoạt động lập pháp; đổi mới hoạt động giám sát; đổi mới công tác bảo đảm hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Ngoài các giải pháp trọng tâm nêu trên, dự thảo Đề án còn đề cập tới các nhóm giải pháp về đổi mới quan hệ, phối hợp trong công tác; nhóm giải pháp về đảm bảo nguồn lực thực hiện Đề án; giải pháp về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc cả về số lượng và chất lượng.
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Đề án và cho rằng Đề án ngắn gọn, toàn diện, việc Hội đồng Dân tộc xây dựng và ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc là rất cần thiết. Các đại biểu cũng trao đổi, tham vấn ý kiến vào dự thảo Đề án; đề xuất các giải pháp, những vấn đề cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Góp ý tại Hội thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có đa tộc người thống nhất trong một dân tộc Việt Nam, văn hóa dân tộc Việt Nam rất giàu bản sắc thống nhất trong đa dạng. Do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan của mỗi dân tộc và của cả nước qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, mà ngày nay các dân tộc ở Việt Nam phát triển không đồng đều trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng nhìn chung, trên các chỉ số phát triển cơ bản qua thống kê quốc gia hàng năm đều cho thấy, vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, thua kém hơn so với thành thị; 52 dân tộc thiếu số (trừ người Hoa) và vùng dân tộc thiểu số thua kém với nhiều mức độ hơn so với mức trung bình của nông dâm và vùng nông thôn của cả nước. Chính vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, khi nói đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là nói đến một bộ phận lớn, đặc biệt của nông dân Việt Nam, là những đối tượng nghèo nhất, yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất, thậm chí dễ bị cư xử bất bình đẳng nhất.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Đảng và Nhà nước tập trung vào 12 chính sách lớn cần thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Nếu làm tốt thì sẽ giúp các dân tộc thiểu số tự thân vận động chủ động giải quyết được các khó khăn, thách thức khác. Trong quá trình xây dựng các chính sách cho các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số cần chú ý tránh lặp lại những hạn chế đã từng xảy ra. Do đó, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị trong các chính sách cho dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, cần xác định rõ khung thời gian tối đa hoàn thành các mục tiêu. Đồng thời phải công khai, minh bạch các chính sách, các nguồn lực và các kế hoạch tổ chức thực hiện cho toàn dân biết, cùng bàn, góp ý để thực hiện, giám sát và kiểm tra.
Th.s Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc và các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội.
Cho ý kiến về dự thảo Đề án, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ đề cập đến một số yêu cầu đặt ra đối với việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc và phát huy vai trò của thành viên Hội đồng Dân tộc.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu đã nêu, TS.Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, ban hành các chính sách dân tộc, trong đó đề nghị cần chú trọng giải pháp về nguồn nhân lực. Bởi đây là điểm nghẽn cơ bản làm cho vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. TS.Hoàng Xuân Lương đề nghị cần quan tâm, khởi dậy bản sắc từng vùng, phải kiên trì tiếp tục xây dựng Luật Dân tộc, tiếp tục phân định dân tộc thiểu số theo miền núi, vùng cao và theo trình độ phát triển. Đề nghị Hội đồng Dân tộc yêu cầu Ủy ban Dân tộc phải lượng hóa chính sách bằng số liệu, không chung chung.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tham vấn chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIV Hà Ngọc Chiến.
Cũng tại Hội thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đáng giá cao công tác chuẩn bị của Đề án, và cho rằng, có thể coi Đề án như báo cáo tổng kết 2 nhiệm kỳ của Hội đồng Dân tộc, Đề án ngắn gọn, toàn diện, nêu lên được những kết quả đạt được trong thời gian qua, chỉ ra được tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong thời gian tới. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận thấy, việc xác định quan điểm và phạm vi phù hợp, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 88 và Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần gắn trách nhiệm và phát huy vai trò thành viên của Hội đồng Dân tộc. Nếu phát huy được vai trò của từng thành viên Hội đồng Dân tộc thì chất lượng được nâng lên, quyết định hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Hiện chưa ràng buộc trách nhiệm của từng thành viên một cách đầy đủ. Đồng thời cần xem xét đối tượng tác động chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách, cần tăng thời lượng hội nghị, hội thảo ở các địa phương, vùng miền, Hội đồng Dân tộc cần phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để đánh giá sâu, lấy ý kiến sát với thực tế để có thêm thông tin, kịp thời có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Về các mối quan hệ phối hợp, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần nâng tầm quan hệ phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa 2 cơ quan thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Cần quy định rõ quy chế phối hợp phải chặt chẽ, trách nhiệm, toàn diện, 2 cơ quan này cần giao ban nhiều hơn.
Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Đề án, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp một số ý kiến liên quan đến từ ngữ, tên gọi của Đề án. Đồng thời kiến nghị quan tâm từ những hạn chế, điểm yếu hoạt động của Hội đồng Dân tộc để đề ra giải pháp khắc phục. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần làm rõ nhận thức về dân tộc, về chính sách dân tộc, nâng cao kỹ năng, hoàn thiện trình độ đội ngũ của Hội đồng Dân tộc để khắc phục những điểm yếu trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc Hội thảo.
Bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, các ý kiến đóng góp trách nhiệm, xác đáng. Các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng “Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc” là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Các nội dung tiếp tục đổi mới bảo đảm tính khách quan, khoa học, tính kế thừa, thiết thực, đồng bộ và khả thi, theo đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các đại biểu đã có nhiều đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và rất thiết thực, có giá trị, để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu bổ sung vào những nội dung quan trọng để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, nhiệm kỳ 2021-2026, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu tại Hội thảo này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Thường trực Hội đồng Dân tộc sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia đóng góp để xây dựng hoàn thiện “Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc” trình phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc cho ý kiến vào cuối tháng 8/2022 và xem xét thông qua trong 10/2022. Theo đó sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện có phân công nhiệm vụ rõ ràng, khả thi, theo đúng tinh thần của Quyết định số 2362/QĐ-ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng Đoàn Quốc hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 161/2021/QH14, ngày 08/4/2021 của Quốc hội./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Thường trực Hội đồng Dân tộc sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia đóng góp để xây dựng hoàn thiện “Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc” trình phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc cho ý kiến vào cuối tháng 8/2022 và xem xét thông qua trong 10/2022.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo đề dẫn dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XIII Ksor Phước đề nghị Đảng và Nhà nước tập trung vào 12 chính sách lớn cần thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Trong quá trình xây dựng các chính sách cho các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số cần chú ý tránh lặp lại những hạn chế đã từng xảy ra.
Th.s Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc và các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ đề cập đến một số yêu cầu đặt ra đối với việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc và phát huy vai trò của thành viên Hội đồng Dân tộc.
TS.Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, ban hành các chính sách dân tộc, trong đó đề nghị cần chú trọng giải pháp về nguồn nhân lực.
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tham vấn chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp một số ý kiến liên quan đến từ ngữ, tên gọi của Đề án. Đồng thời kiến nghị quan tâm từ những hạn chế, điểm yếu hoạt động của Hội đồng Dân tộc để đề ra giải pháp khắc phục.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng góp ý vào thực trạng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và cho rằng, vai trò của Hội đồng Dân tộc cần tập trung nhiều hơn vào giám sát.