QUY ĐỊNH RÕ NỘI DUNG, HÌNH THỨC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ VÀ TỔ CHỨC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG THEO HỢP ĐỒNG

04/08/2022

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tại Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Ban soạn thảo thống nhất trình Quốc hội dự thảo Luật theo phương án quy định rõ nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng.

Bảo đảm bình đẳng, công khai và minh bạch trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

Để có cơ sở cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động nói chung, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn nêu rõ, mục tiêu của thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng là bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là cơ chế để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, thảo luận, bàn bạc và đóng góp xây dựng doanh nghiệp, đồng thời người sử dụng lao động nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hợp tác, cùng phát triển. Do vậy, thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn là cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, tThực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật. Qua thảo luận tại Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, có 3 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự thảo Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trong đó có một số nội dung đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước; Loại ý kiến thứ ba đề nghị dự thảo Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã thảo luận từng loại ý kiến và thống nhất trình Quốc hội theo loại ý kiến thứ nhất, với những căn cứ vững chắc về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn 

Về cơ sở chính trị, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Chỉ thị số 30-CT/TW đã yêu cầu “Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, v.v. phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở”. Kết luận số 120-KL/TW đã giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở”. Ngày 13/01/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có Báo cáo số 14-BC/BCĐTW về việc sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, trong đó có nội dung đánh giá về kết quả thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (ở tất cả loại hình doanh nghiệp) và kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội “Chỉ đạo triển khai xây dựng và sớm ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.

Về cơ sở pháp lý, thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp không phải chính sách mới phát sinh tại dự án Luật này mà đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng loại hình doanh nghiệp theo từng thời kỳ. Từ năm 2012, pháp luật đã quy định về thực hiện dân chủ ở tất cả loại hình doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động. Khoản 4 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “Chính phủ quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”. Như vậy, Bộ luật Lao động chưa quy định cụ thể về quy chế dân chủ tại doanh nghiệp mà giao Chính phủ quy định chi tiết (Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động). Do vậy, quy định của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp tại dự án Luật này không làm thay đổi bản chất của quan hệ lao động; không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành Bộ luật Lao động và hoạt động quản lý nhà nước về lao động, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động.

Dự thảo Luật về cơ bản kế thừa các quy định của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP và một số nội dung phù hợp trong các hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, dự thảo Luật quy định thêm một số đặc thù như công khai thêm các thông tin về tình hình tài chính, quy chế quản lý sử dụng các loại quỹ, công tác nhân sự, đầu tư, mua sắm tại doanh nghiệp; thành lập Ban Thanh tra nhân dân. Nội dung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong doanh nghiệp về cơ bản kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, không đặt ra các trách nhiệm hoặc biện pháp mới gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở quy định của Luật này, Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cho phù hợp.

Về cơ sở thực tiễn, đại diện Bộ Nội vụ nêu rõ, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cho thấy, nơi nào thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp thì quan hệ lao động tại doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định, người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc công khai thông tin, lấy ý kiến người lao động về phương án sản xuất, kinh doanh, tạo sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, qua đó cho thấy vai trò, ý nghĩa của thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Từ những căn cứ nêu trên, Chính phủ đã trình Quốc hội theo hướng quy định về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp và có tính đến đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật đã trình Quốc hội có một chương - Chương IV về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, gồm 12 điều (từ Điều 45 đến Điều 56). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, bao gồm quy định về công khai thông tin; người lao động quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp và quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước). Quy định tại Chương IV về cơ bản kế thừa các quy định tại mục 2 Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP; đồng thời bổ sung một số nội dung mới gồm: bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; bổ sung một số nội dung về hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,... hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Minh Hùng

Các bài viết khác