Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc
Đề xuất 5 định hướng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc” do Hội đồng Dân tộc và Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, TS.Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết, du lịch Việt Bắc có nhiều tiềm năng phát triển, chiến khu Việt Bắc có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, gắn với các di tích lịch sử, cách mạng như: ATK Định Hóa - Thái Nguyên và Chợ Đồn - Bắc Kạn, ATK Tân Trào - Tuyên Quang, quần thể di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), hay căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đây cũng là nơi sinh sống lâu đời của địa phương nhiều dân tộc anh em với nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
TS.Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số... kết hợp việc tham quan các thắng cảnh với việc trải nghiệm cuộc sống trong các bản làng dân tộc, các phiên chợ vùng cao, đồng thời mua sắm các loại sản vật địa phương, các sản phẩm OCOP…
Theo TS.Nguyễn Ngọc Bảo, trong thời gian gần đây, du lịch khu vực Việt Bắc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các đoàn khách tham quan các di tích lịch sử, cách mạng, bước đầu hình thành các điểm du lịch như bản Pác Ngòi, làng du lịch sinh thái Thái Hải, làng du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen, làng làm hương Phja Thắp (Cao Bằng), thôn Nặm Đăm (Quảng Bạ, Hà Giang), làng văn hoá du lịch Nà Trào (Hà Giang)... Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, sự phát triển này còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu hiện nay. Sự phát triển du lịch dựa vào khai thác những tiềm năng sẵn có là chính, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng theo một chiến lược chung, chưa tạo được sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, liên kết chiều dọc theo chuỗi giá trị còn thấp.
Du lịch văn hóa là xu hướng và được triển khai rất thành công trên thế giới, gắn với vai trò quan trọng của mô hình HTX
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, ba loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, đặc biệt là du lịch văn hóa, gắn với, tích lịch sử đang trở thành xu thế lớn, sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới, đã và đang được đặt trong chiến lược phát triển du lịch tại nhiều quốc gia. TS.Nguyễn Ngọc Bảo nêu dẫn chứng tại Hy Lạp, các HTX nông nghiệp gắn với du lịch tại các di tích lịch sử của phụ nữ ở Hy Lạp cung cấp nơi ở, đồ ăn truyền thống, tổ chức các hoạt động giải trí, du lịch, tham quan các di tích lịch sử, cũng như cơ hội cho các du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, sinh thái. Tại Nhật Bản, các HTX đều là các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; điển hình, cho mô hình HTX nông nghiệp - du lịch văn hóa là HTX Umaji, mỗi năm thu hút 320 nghìn khách du lịch, trong đó nhiều khách du lịch là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, tăng trưởng đều hàng năm.
TS.Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, kinh nghiệm các nước trên cho thấy, các HTX du lịch được triển khai thành công trên cơ sở kết hợp 3 yếu tố: (1) Áp dụng mô hình HTX là mô hình quản lý tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, hướng đến sự phát triển lâu dài cho cộng đồng, cho tập thể; (2) Phát triển hạ tầng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và (3) bảo tồn gắn kết chặt chẽ với đặc trưng văn hóa, lịch sử của địa phương.
TS.Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Thực tiễn ở các nước cho thấy, tổ chức dịch vụ du lịch theo mô hình HTX chiếm tỷ trọng lớn, có hiệu quả bền vững, đóng góp quan trọng cho phát triển văn hóa, sinh thái, là mô hình phù hợp để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ. Bởi lẽ về nguyên tắc, loại hình du lịch văn hóa chỉ đảm bảo sản phẩm du lịch thành công khi đặt mục tiêu bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị lịch sử, đặt lợi ích cộng đồng và người dân địa phương lên trên, đòi hỏi có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về văn hóa, lịch sử với bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa. Đồng thời người dân địa phương được khuyến khích tham gia công tác tổ chức phát triển du lịch theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng do họ là những người trực tiếp sinh sống tại khu vực, hiểu được sự thay đổi hàng ngày của hệ sinh thái, hiểu rõ môi trường tự nhiên và văn hóa của khu vực; lợi ích kinh tế sẽ được chia sẻ công bằng và rộng khắp. Điều này phù hợp với mô hình, tôn chỉ, nguyên tắc hoạt động của HTX.
Mô hình HTX du lịch, HTX nông nghiệp đa giá trị tích hợp du lịch đã bước đầu được triển khai thành công
TS.Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tại khu vực Việt Bắc, tỉnh Hà Giang có nhiều mô hình HTX du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, góp phần thu hút bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, tạo thêm nghề mới cho đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã để nâng cao thu nhập cho gia đình, điển hình là HTX Du lịch cộng đồng Nậm Hồng. Tại Thái Nguyên, một trong các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc, các HTX đã triển khai thành công mô hình HTX nông nghiệp đa chức năng, phát triển du lịch gắn với văn hóa trà như HTX chè Trung Du Tân Cương, HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX chè Hảo Đạt, HTX Tâm Trà Thái... HTX chè Trung Du Tân Cương Thái Nguyên là một điểm đến du lịch cộng đồng, gắn với văn hóa trà. Các sản phẩm chè của HTX khá phong phú, đáp ứng như cầu thị trường trong và ngoài nước, trong đó 3 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 4 sao.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng nêu ví dụ các mô hình HTX gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương khác như Sơn La, Yên Bái, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam…
Qua đó, TS.Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, dù bước đầu phát triển thành công, nhưng các HTX du lịch tại Việt Bắc nói riêng, trên cả nước nói chung hiện đang gặp một số khó khăn và còn tồn tại một số vấn đề như: (1) HTX mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn; (2) Thành viên chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch chuyên nghiệp, công tác chuyển đổi số còn chậm, mới phục vụ du khách theo kinh nghiệm và kỹ năng tự có; (3) Quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, trong khi đầu tư cho du lịch cần nhiều hạng mục có nguồn kinh phí lớn thì mới bảo đảm được sự chuyên nghiệp; (4) Ngoài ra, các mô hình dịch vụ du lịch tại khu vực Việt Bắc cũng chưa phát huy được giá trị du lịch văn hóa, lịch sử to lớn của chiến khu Việt Bắc, khi chưa có nhiều sản phẩm du lịch gắn với các giá trị này.
Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị phát triển du lịch văn hóa theo mô hình liên kết vùng, gắn kết theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã
Xuất phát từ tiềm năng phát triển du lịch của chiến khu Việt Bắc, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch văn hóa theo mô hình liên kết theo vùng, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, TS.Nguyễn Ngọc Bảo đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại chiến khu Việt Bắc.
Về quy hoạch phát triển, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị: có thể học theo mô hình của Nhật Bản và các nước châu Á, theo đó các HTX nông nghiệp, ngoài việc tập trung phát triển gắn kết với chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm đạt được giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp, còn khai thác giá trị du lịch, để vừa gia tăng hiệu quả trên cùng suất đầu tư, vừa có tác dụng bổ trợ cho nông nghiệp. Đồng thời cần kết nối chặt chẽ với các sản phẩm OCOP, trải nghiệm tại các làng nghề: khuyến khích hình thành các đặc sản vùng, miền cho mỗi địa phương theo Chương trình OCOP. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhiều tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP để vừa tăng tính hấp dẫn cho tour du lịch, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững, khuyến khích các sản phẩm OCOP theo hướng gắn với giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Bắc.
Ngoài ra, TS.Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề xuất cần có một quy hoạch chung mang tính liên vùng, thể hiện mối liên kết giữa các địa phương trong nỗ lực phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để làm phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn cùng tính khả thi cho các sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh.
Về mô hình phát triển, TS. Nguyễn Ngọc Bảo khuyến khích mô hình HTX du lịch và HTX nông nghiệp - du lịch với cách tiếp cận theo hướng lấy con người làm trung tâm là công cụ mạnh mẽ để phục hồi xã hội một cách toàn diện hơn và bền bỉ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid; bản sắc và mô hình HTX có thể dẫn đường cho sự phục hồi sau đại dịch và sự phát triển bền vững trong tương lai. Đặc biệt, mô hình HTX có nhiều nét tương đồng, phù hợp với các nguyên tắc phát triển Du lịch văn hóa, lịch sử.
Từ những giải pháp trên, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch, HTX chuyên ngành du lịch, tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng theo cách cá thể, tự phát, chuyển sang liên kết theo mô hình kinh tế tập thể, HTX, dựa trên nguyên tắc phát triển vì tập thể, vì cộng đồng, bình đăng, dân chủ. Đồng thời giao Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc nói riêng, du lịch văn hóa, cộng đồng và du lịch Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, giao Liên minh HTX Việt Nam phối hợp, tham gia xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tại Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh kết nối theo chuỗi giá trị, gắn kết với chuỗi giá trị nông nghiệp, đa dạng hóa, kết hợp với du lịch, để vừa gia tăng hiệu quả trên cùng suất đầu tư, vừa có tác dụng bổ trợ cho nông nghiệp./.