UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC KHẢO SÁT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TẠI VĨNH PHÚC

08/07/2022

Chiều 08/7, Đoàn khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh phát triển đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường; xuất hiện các mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Tính đến nay trên địa bàn có 33 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 27 cơ sở thuộc địa phương, 6 cơ sở thuộc các bộ, ngành Trung ương quản lý. Trong đó, 7 trường cao đẳng (3 trường thuộc tỉnh, 4 trường thuộc các bộ, ngành trung ương); 3 trường trung cấp (tư thục); 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (10 trung tâm công lập, 9 trung tâm tư thục và 1 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài) và 3 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (2 cơ sở 2 của trường cao đẳng có trụ sở chính tại tỉnh khác, 1 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Cơ chế phối hợp 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành trong thực tiễn. Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hằng năm (năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 68,2%; năm 2020 tăng lên 76,1%).

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp và cao đẳng; cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế do sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động chưa chặt chẽ. Năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu, lạc hậu...

Vĩnh Phúc kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định mở rộng đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp đối với các đơn vị, cơ sở (đơn vị sự nghiệp công lập, các thành phần kinh tế khác) khi đủ các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, trong đó có quy hoạch ngành/nghề đào tạo theo địa phương và vùng miền...

Đoàn khảo sát đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở sự ban hành kịp thời chủ trương, chính sách, nghị quyết, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, đạt được những kết quả ấn tượng. Nhiều nội dung cũng được các đại biểu quan tâm trao đổi như: quy hoạch mạng lưới các trường nghề, xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giúp Đoàn khảo sát có nhiều thông tin về giáo dục nghề nghiệp, phục vụ hoạt động thẩm tra, xây dựng luật và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Ủy ban. Vĩnh Phúc là tỉnh phát triển về công nghiệp, dịch vụ. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng cho đây cũng là động lực để tỉnh đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo cao. Sự quan tâm của tỉnh sẽ giúp tỷ lệ này tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tìm mẫu số chung giữa sự đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của xã hội, có chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt chú trọng chất lượng, từ đó đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực không chỉ của tỉnh mà còn mở rộng cả khu vực.


Đoàn khảo sát thăm Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc

+ Trước đó, Đoàn khảo sát đã làm việc với Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)