THẢO LUẬN TẠI TỔ 8: RÀ SOÁT LẠI CÁC CHÍNH SÁCH, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ĐIỀU CHỈNH GIẢM THUẾ TẠI THỜI ĐIỂM GIÁ DẦU THÔ ĐANG TĂNG CAO

03/06/2022

Thực hiện Kỳ họp thứ 3, chiều ngày 03/6, Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Thừa Thiên-Huế thảo luận về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung: rà soát lại các chính sách về thuế, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giảm thuế; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí...


Trình bày Tờ trình Dự thảo luật Dầu khí (sửa đổi) tại Hội trường sáng ngày 03/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như: Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi; Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác; Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành. Mục đích và quan điểm xây dựng Luật dầu khí (sửa đổi) đã được xác định và nêu chi tiết tại Tờ trình số 159/TTr-CP.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương 64 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể gồm: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; Chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Phiên thảo luận Tổ, đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết: Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được soạn thảo theo hướng mở rộng quyền và khuyến khích đầu tư thể hiện tại các quy định về hợp đồng dầu khí như tăng thời hạn hợp đồng dầu khí tại khoản 1, 2, 3 Điều 24, tăng diện tích đối với hợp đồng dầu khí (một và nhiều lô mà không quy định cụ thể bao nhiêu tại khoản 1 Điều 25), gia hạn hợp đồng dầu khí... Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại chi tiết các chính sách này, bổ sung đánh giá tác động, trong đó đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến an ninh và lợi quốc gia trong những thay đổi về pháp lý, tránh ảnh hưởng tới lợi ích và tranh chấp phát sinh, cũng như phát sinh các thủ tục hành chính, giấy phép con, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí... khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Về kinh phí cho điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 2 Điều 9 quy định về chi phí điều tra cơ bản về dầu khí do Nhà nước hoặc giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện. Đại biểu Phạm Thúy Chinh nhận thấy, việc giao PVN thực hiện là hoàn toàn phù hợp với vai trò quan lý Nhà nước. Tuy nhiên, không nên quy định kinh phí cho điều tra cơ bản về dầu khí sử dụng từ nguồn Ngân sách nhà nước. Kinh phí này cần nghiên cứu, quy định kinh phí điều tra cơ bản về dầu khí tính vào chi phí của Tập đoàn Dầukhí Việt Nam, được phân bổ hàng năm, hạch toán vào tài khoản chi phí trả trước.

Về ưu đãi và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khi, đại biểu Phạm Thúy Chinh quan tâm tới Điểm b khoản 2 Điều 46 quy định: "Đã tổ chức đấu thầu theo các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của hợp đồng dầu khí thông thường nhưng không có nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm do không đạt được hiệu quả đầu tư tối thiểu" và đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát cụ thể các quy định hiện hành, làm rõ nội hàm của nội dung “không có nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm do không đạt được hiệu quả đầu tư tối thiểu", tránh việc xuất hiện các "kẽ hở" pháp luật có thể bị lợi dụng sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.

Đối với các chính sách ưu đãi về thuế, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, việc dự thảo Luật quy định các chính sách về thuế đều giảm so với các quy định trước đây và tại thời điểm giá dầu thô đang tăng cao, không ổn định nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần báo cáo thêm về dự báo tình hình, rà soát lại các chính sách về thuế trên cơ sở cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giảm thuế.

Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 quy định các mức thuế suất, đại biểu Phạm Thúy Chinh  nhận thấy, việc quy định chi tiết này khác với các quy định trong pháp luật về thuế và sẽ dẫn tới phá vỡ tính thống nhất, tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật về thuế hiện hành. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm ý kiến về việc đảm bảo tính thống nhất, tương thích của Luật Dầu khí trong hệ thống pháp luật và cần bổ sung quy định về thời hạn hưởng ưu đãi về thuế theo đúng quy định của Luật Đầu tư.

Cần quy định rõ ràng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các nhà thầu

Đưa ra quan điểm về quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn-Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí với việc Luật quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Tuy nhiên, khoản 5 Điều 5 của Luật quy định: “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân chia sẻ và tiếp cận, sử dụng các công trình và cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.”; theo khoản 1 Điều 3 của Luật thì “Công trình dầu khí gồm các giàn (khoan, khai thác, phụ trợ), kho chứa, kho chứa nổi, hệ thống đường ống, phao neo, giếng và tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị có liên quan, các kết cấu công trình được chế tạo, xây dựng, chôn ngầm và lắp đặt cố định hoặc tạm thời để phục vụ cho hoạt động dầu khí.”. Vậy còn cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí là gì và bao gồm những gì để tiếp cận và chia sẻ thì iện dự thảo Luật chưa quy định? Vì vậy, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị Điều 3 dự thảo Luật cần bổ sung thêm 1 khoản để quy định (giải thích từ ngữ) cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí bao gồm những gì để các bên có thể tiếp cận và chia sẻ.


Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận.

Đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị Luật cần phải quy định cụ thể, rõ ràng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các nhà thầu, không nên quy định chung chung mang tính chất điều, khoản “quét” các quyền và nghĩa vụ còn lại của các nhà thầu như quy định tại điểm L khoản 1 Điều 50  “l) Các quyền khác được quy định tại Luật này.” và khoản 13 Điều 51“13. Các nghĩa vụ khác được quy định tại Luật này.”. Trong trường hợp xác định các nhà thầu chỉ có các quyền và nghĩa vụ như đã quy định và không còn quyền, nghĩa vụ nào khác nữa thì đề nghị bỏ điểm l khoản 1 Điều 50 và khoản 13 Điều 51. Đề cập nội dung này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị Điều 50 khoản 1 điểm i bổ sung thêm cụm từ “Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế” vào sau cụm từ “... phù hợp với quy định của pháp luật” cho phù hợp và thống nhất với Điều 51 khoản 10 của dự thảo Luật.

Cũng liên quan đến nhà thầu, đại biểu Hoàng Ngọc Định- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lại cho ý kiến về quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại dự thảo Luật quy định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu theo quy định tại các Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19. Tuy nhiên, tại Điều 20 dự thảo Luật quy định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng dầu khí quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Như vậy, không có sự thống nhất giữa quy định tại Điều 14 (hình thức lựa chọn) và Điều 20 dự thảo Luật đồng thời quy định này mang tính không minh bạch trong việc xác định như thế nào là trường hợp đặc biệt khi xuất hiện các điều kiện đặc thù? Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này cho phù hợp để bảo đảm tính minh bạch trong quy định của pháp luật.

Tại Điều 24 dự thảo quy định về thời hạn hợp đồng dầu khí: “Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng an ninh, điều kiện địa chất dầu khí phức tạp, điều kiện thực địa triển khai hoạt động dầu khí có những khó khăn rất đặc thù hoặc cần bảo đảm thời gian khai thác khí hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc cho phép gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí và thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí vượt các thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này trên cơ sở thẩm định của Bộ Công Thương.”

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, các thuật ngữ “phức tạp, khó khăn rất đặc thù” đều không được quy định tiêu chí hoặc dẫn chiếu tới quy định cụ thể nào khác sẽ có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau, làm giảm tính thống nhất trong thực thi, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể hơn các quy định trên và giảm tối đa các quy định có tính chất định tính tương tự khác trong Dự thảo để làm cơ sở cho việc hiểu và áp dụng quy định một cách chính xác, thống nhất, minh bạch.

Trong khuôn khổ Phiên họp Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đa số các đại biểu thống nhất với việc cần thiết phải sửa đổi Luật những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan.


Đại biểu Đặng Quốc Khánh-Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Kết luận tại Phiên thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Những đóng góp của các đại biểu sẽ là căn cứ rất quan trọng để có thể áp dụng các dự án Luật này nếu được thông qua vào cuộc sống được tốt hơn. Tất cả những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp trước khi trình ra Quốc hội xem xét, đóng góp tại Hội trường./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:


Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 8 chiều ngày 03/6/2022.


Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và Thừa Thiên-Huế đọc tài liệu trước khi đóng góp ý kiến cho các dự thảo Luật.


Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (trái) nghiên cứu các dự thảo Luật.


Đại biểu Lê Hoài Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến tại Phiên thảo luận.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có quy định cụ thể và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các nhà thầu.


Đóng góp vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho ý kiến về quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại dự thảo Luật.

Bích Lan-Nghĩa Đức