THẢO LUẬN TỔ 12 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG TẦN SỐ LƯỠNG DỤNG

03/06/2022

Chiều 03/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và Tp.Hải Phòng, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và các nội dung cơ bản, song cũng lưu ý đến quy định sử dụng tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và Tp.Hải Phòng

Vấn đề sử dụng tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội như trong Tờ trình của Chính phủ chưa được đánh giá tác động đầy đủ, chưa có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và một số Bộ, ngành có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện được bổ sung khoản 4 như sau: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu rõ không thể sử dụng mạng thông tin sử dụng tần số cho mục đích kinh tế - xã hội để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của nhà nước.

Đại biểu lý giải về yêu cầu về bảo mật, các mạng di động sử dụng tần số cho mục đích kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện hành được thiết kế ngay từ đầu cho các thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với yêu cầu bảo mật ở mức độ thấp hơn nhiều so với mạng phục vụ liên quan đến mục đích quốc phòng, an ninh và khi sử dụng các cơ chế bảo mật sẽ tốn kém thêm rất nhiều chi phí. Việc nâng cấp để có được các cơ chế bảo mật đạt yêu cầu không thể thực hiện được sau khi mạng đã hoạt động và đang cung cấp dịch vụ. Do đó các mạng này không thể đáp ứng được các yêu cầu để bảo mật phục vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, các quy trình vận hành, khai thác hiện hành các mạng công cộng cũng không đảm bảo được yêu cầu bảo mật đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng 

Trong khi đó, đối với mạng lưỡng dụng, thiết kế ngay từ đầu phục vụ quốc phòng, an ninh với yêu cầu an toàn, bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin cho quốc phòng, an ninh, đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khi cần thiết. Một số nhiệm vụ có tính chất bí mật thì không thể phối hợp để thông báo yêu cầu nhằm nâng mức ưu tiên sử dụng tài nguyên của mạng lưới để phục vụ công việc, bởi chính sự phối hợp này có thể dẫn đến mất an toàn, an ninh thông tin, lộ bí mật nhà nước. Do đó, phương châm mỗi khi phục vụ các phương án quốc phòng, an ninh chỉ những thuê bao phục vụ quốc phòng, an ninh mới được hoạt động, các SIM khác sẽ được tạm thời từ chối các dịch vụ để phục vụ an ninh, an toàn cho các sự kiện, các sự vụ thì mạng quốc phòng, an ninh sở hữu sẽ đáp ứng được tức thời, bí mật và an toàn hơn.

Đại biểu đề nghị chỉnh sửa khoản 4 Điều 45 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện theo hướng: "Đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội phải lập phương án sử dụng băng tần, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông".

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn tác động chính sách này, đặc biệt là tác động đến thị trường viễn thông. Việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích kinh tế - xã hội chỉ áp dụng trong một số trường hợp không mang tính chất thường xuyên, trên thực tế xảy ra không nhiều. Do đó để Thủ tướng Chính phủ quyết định là phù hợp. Đồng thời nhấn mạnh, việc sử dụng băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích kinh tế - xã hội phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện như không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; có cơ chế quản lý vận hành minh bạch, công khai, hiệu quả, tuân thủ luật pháp; kết hợp mục đích kinh tế - xã hội chỉ diễn ra khi các điều kiện về hạ tầng nhân sự, bối cảnh kinh tế- xã hội cho phép phải được các bộ, ban, ngành thống nhất và được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội ban hành từ năm 2009, trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, việc sửa đổi luật là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt bổ sung tại khoản 4 Điều 45 của Luật hiện hành, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh dẫn chứng Viettel là doanh nghiệp vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh vừa phục vụ kinh tế - xã hội thì tần số của Viettel sẽ tách bạch, tần số nào thì phục vụ kinh tế xã hội, tần số nào phục vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, báo cáo của phía Chính phủ lại đề nghị sử dụng theo hình thức lưỡng dụng tức một tần số có thể lúc này sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh nhưng lúc khác lại sử dụng cho kinh tế xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng nếu để đầu tư cho tần số phục vụ cho quốc phòng an ninh thì chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều và yêu cầu về bảo mật cao, việc quản lý liên quan đến thuế cũng như doanh thu sẽ quy định ngặt nghèo và khác so với việc kinh doanh bình thường. Trong khi đó, để phục vụ kinh tế - xã hội thì vấn đề lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh nêu rõ cần phải có sự tách bạch nhưng dự thảo Luật lại quy định theo hướng là vừa phục vụ kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng. Đạ biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về nội dung này và cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế.

Liên quan đến phương thức cấp giấy phép được quy định có 3 phương thức là cấp trực tiếp, thi tuyển và đấu giá. Đối với cấp giấy phép trực tiếp, phương thức này rút gọn hơn nhiều so với luật hiện hành. Trong Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành có quy định rõ trường hợp được cấp giấy phép trực tiếp là tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ công ích như phục vụ cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa và có giá trị thương mại cao hoặc nhu cầu sử dụng không vượt quá khả năng phân bổ tần số vô tuyến điện được xác định trong Quy hoạch tần số vô tuyến điện theo nguyên tắc là tổ chức, cá nhân đăng ký trước khi được cấp. Dự thảo lần này sửa đổi quy định này nhưng lại không nêu phương thức cấp giấy phép trực tiếp là như thế nào.

Đại biểu cho biết, qua đi khảo sát thực tế cho thấy đa phần doanh nghiệp nước ngoài được cấp tần số để phục vụ mục đích quốc phòng an ninh cũng như kinh tế- xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thì đa phần các doanh nghiệp đều đề nghị theo hình thức thi tuyển thay vì đấu giá. Tuy nhiên dự thảo luật lại nêu chủ yếu là đấu giá. Mặt khác từ lúc thực hiện luật đến nay chưa có trường hợp nào thực hiện được đấu giá. Do đó đề nghị Ban soạn thảo phải rất cân nhắc, thận trọng xem xét quy định để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lựa chọn phương thức nào cũng phải giảm lãng phí tài nguyên./.

Bảo Yến - Phạm Thắng