ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: XEM XÉT GỘP BAN THANH TRA NHÂN DÂN TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

01/06/2022

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất xem xét lại việc gộp quy định về tổ chức Ban Thanh tra nhân dân trong 3 cơ quan gồm: cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trong khi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức, hoạt động khác nhau.


Thực hiện kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Cho ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng đối với thuật ngữ sử dụng trong một số khoản, điều luật cần nhất quán. Theo đó, cần thay thế và sử dụng cụm từ “cơ sở” cho cụm từ “xã, phường, thị trấn” ở các Chương II, mục 1 thuộc Chương II, Điều 65 của dự thảo Luật để thống nhất với Khoản 1, Điều 2 đã được quy định trong dự thảo Luật. Xem xét bỏ hoặc điều chỉnh từ “địa phương” trong các Điều 9, Điều 12 của dự thảo Luật để tránh chồng lấn về phân cấp đơn vị hành chính giữa tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn; hơn nữa, thể hiện rõ nội hàm của chính quyền cấp xã (Không thể nói: “Chính quyền địa phương cấp xã”).


Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Về Giải thích từ ngữ (Điều 2), đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung giải thích khái niệm: “Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng”; đồng thời, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Vì ở khoản 5, Điều 13 có đề cập đến tổ chức này trong Những nội dung cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Thực tế, thời gian qua, nhờ có Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giúp thúc đẩy cả mặt tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, hạ tầng cơ sở đầu tư tại cộng đồng; góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về các chương trình, dự án xây dựng cơ bản, phát huy dân chủ và tạo lòng tin trong nhân dân.

Về các hình thức thời điểm công khai thông tin để Nhân dân biết (Điều 10), đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị điều chỉnh rút gọn điểm g cho phù hợp và thích ứng theo thời gian. Rút gọn như sau: “g. Thông qua mạng xã hội theo quy định của pháp luật”.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3), cần sắp xếp lại thứ tự các khoản trong điều này cho đúng theo quy định về thể thức trình bày Văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 17 Nghị quyết 351/2017 của Quốc hội khóa XIV. Trong đó, điểm d đề cập Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù. Theo đó, nên sắp xếp lại thứ tự các khoản: 3, 2, 1, 4, 5. Ngoài ra, cần bổ sung một nguyên tắc để thể hiện rõ tính nối tiếp nền tảng của kiên định dân là chủ, dân làm chủ từ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là nguyên tắc: “Giải quyết hài hòa giữa nguyên tắc tập trung dân chủ và dân chủ tập trung” để thể hiện rõ vai chủ thể và khách thể trong cuộc sống. Khi nhắc đến nguyên tắc tập trung dân chủ thì xuất phát điểm là lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành từ tổ chức thẩm quyền để tạo sức mạnh tổng hợp; còn khi nói đến nguyên tắc dân chủ tập trung thì xuất phát điểm là trung tâm, là nguồn gốc từ nhân dân để tổng hợp sức mạnh.

Về tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (Điều 62), đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất xem xét lại việc gộp quy định về tổ chức Ban Thanh tra nhân dân trong ba cơ quan, đơn vị trên trong khi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức, hoạt động khác nhau. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung quy định tiêu chí thành lập Ban Thanh tra nhân dân, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, có xác định số lượng tối thiểu công chức, viên chức, người lao động./.

Bích Lan