BƯỚC TIẾN LỚN TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

01/06/2022

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã có những bước tiến lớn.

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật sở hữu trí tuệ là một trong những luật rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Với một thế giới ngày càng mở và phẳng hơn, sở hữu trí tuệ thực sự đã trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tiến trải nghiệm thực tế của quốc gia. Đại biểu cho rằng, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để kịp thời cập nhật, bổ sung, lấp đầy khoảng trống pháp lý của các vấn đề mới phát sinh, phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới là cần thiết.

Các đại biểu đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra luật đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc lắng nghe, cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri và nhân dân. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã được điều chỉnh đảm bảo tính đồng bộ với một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan; Luật Khoa học, công nghệ; Luật quản lý, sử dụng tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu

Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động mà không bồi hoàn. Theo nữ đại biểu, đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học.

Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu cho biết mặc dù dự thảo Luật mới đã bổ sung đề cập nhiều hơn đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi này.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật mới cũng cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập cơ chế vận hành minh bạch các liên kết, hợp tác, sáng tạo giữa doanh nghiệp, người sản xuất, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước. Đây là một giải pháp quan trọng để giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ; đồng thời cần điều chỉnh, bổ sung để đẩy mạnh bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương hình thành nhiều sản phẩm có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn.. góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật cân nhăc, làm rõ quy định liên quan đến “nhãn hiệu nổi tiếng”; xác định rõ nội hàm, ý nghĩa của một số cụm từ trong dự thảo Luật như: “sao chép hợp lý”, “thiệt hại một cách bất hợp lý”, “thống nhất ý chí”; “khi biết hoặc có cơ sở để biết”.../.

Thu Phương - Phạm Thắng