THẢO LUẬN TỔ 12 VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH: TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT

31/05/2022

Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang va Tp.Hải Phòng về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, nhấn mạnh phải khắc phục những vướng mắc, bất cập trong Luật hiện hành và bổ sung những vấn đề mới phát sinh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội và vai trò của gia đình về lĩnh vực này.

 

Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang va Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐQBH tỉnh Kiên Giang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định trong dự thảo Luật đối tượng là "người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình". Đại biểu cho rằng nội dung này cần nghiên cứu rất kỹ bởi pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể, quy định người có nguy cơ cao có khả năng gây bao lực gia đình dẫn đến những nội dung quy định trong Luật có thể chưa chính xác, dẫn đến nạn nhân lại trở thành đối tượng nguy cơ cao. Đại biểu dẫn chứng điểm b khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật quy định "người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình là người sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực gia đình". Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, với những quy định như vậy chưa chính xác và có sự phân biệt, vô hình trung lại quy định chính nạn nhân của bạo lực gia đình như trẻ em, v.v. lại trở thành người có nguy cơ cao. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại điều chỉnh các quy định về người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình để đảm bảo chính xác, phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐQBH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Danh Tú phân tích thêm, khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật về các hành vi bạo lực gia đình, quy định là hành vi bạo lực gia đình cũng áp dụng đối với người đã ly hôn. Đại biểu cho biết, trong Luật Hôn nhân và gia đình, quan hệ hôn nhân được hình thành trên 3 mối quan hệ chính: Quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Đặt vấn đề liệu có coi tất cả 18 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 4 về bạo lực gia đình áp dụng đúng, chính xác những trường hợp đã ly hôn rồi không, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng  không phải tất cả 18 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đều tương ứng đúng với trường hợp người đã ly hôn như hành vi bỏ mặc không quan tâm. Vì vậy đại biểu đề nghị khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật cần phải rà soát là 18 hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 4 những hành vi nào đúng và chính xác với trường hợp đã ly hôn và những trường hợp nào không phù hợp với trường hợp đã ly hôn để điều chỉnh lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng. Đại biểu chia sẻ thực tế nhiều khi không bằng lòng thì đưa lên mạng để bêu tên. Đó cũng là bạo lực và hình thức bạo lực này nhiều khi còn khủng khiếp hơn nội bộ gia đình. Về hòa giải, đại biểu cho rằng việc hòa giải phải xuất phát từ mục tiêu, nguyên tắc trong phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định tại Điều 5 dự thảo Luật là xây dựng mối quan hệ văn hóa ứng xử tốt đẹp, nhân văn giữa các thành viên trong gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc. Với mục tiêu đó, dù chúng ta có xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình thì quay trở lại vẫn phải giữ được gia đình êm ấm, hạnh phúc. Việc giải quyết mâu thuẫn phải để cho gia đình trở lại ấm êm chứ không phải làm tăng thêm để cuối cùng người trong gia đình không nhìn mặt nhau nữa, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Để thực hiện nội dung về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng có sự phối hợp liên ngành. Đại biểu cho biết dự thảo Luật đã quy định đầy đủ về trách nhiệm của các Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng các hội như Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cần được ghi nhận ở trong luật này.

Trong khi đó, đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đặt vấn đề sau 15 năm thực hiện luật qua thống kê cho thấy số vụ bạo lực gia đình ngày càng nhiều lên và đa dạng hơn. Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đại biểu Tống Văn Băng cho rằng nếu xét theo phương diện khác thì quản lý nhà nước về bạo lực gia đình nên theo hướng là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đại biểu phân tích thêm, cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì chỉ có Cục Gia đình quản lý các nội dung liên quan đến triển khai thực hiện, thi hành và soạn thảo, tham vấn để ban hành thông tư và các văn bản hướng dân. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại có Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Bình đẳng giới,.... thì đây là các cơ quan nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành hẹp, còn rất nhiều các nội dung liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chúng ta đang xem xét. Đại biểu cho rằng, qua giai đoạn nhất định nào đó có thể tính toán cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn.

Đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào chiều ngày 14/6.

Bảo Yến - Phạm Thắng