Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể như bổ sung hành vi bạo lực gia đình áp dụng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như hành vi lợi dụng phong tục, tập quán để ép kết hôn; áp dụng bổ sung hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp người có quan hệ nuôi dưỡng; đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ, bổ sung, sửa đổi một số khái niệm trong dự thảo Luật. Cụ thể, khái niệm “bạo lực gia đình” hiện nay tập trung nhiều vào mối quan hệ giữa chồng/vợ, chưa xác định rõ ràng trong mối quan hệ sống chung/đã ly hôn/tiêu hôn nhưng vẫn sống chung; chưa đề cập đến mối quan hệ liên thế hệ như con cái với cha mẹ, ông bà, những gia đình thay thế, cháu sống chung với người thân… Đặc biệt là lưu ý thêm hai đối tượng yếu thế người già, trẻ em.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật cần có quy định về lực lượng nhân viên công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Một số ý kiến của các chuyên gia nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, là một trong những đối tượng phải chịu nhiều hình thức bạo lực gia đình. Trong số trẻ em bị xâm hại tình dục, phần lớn là trẻ em gái (bị xâm hại bởi người thân trong gia đình cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ). Đối với trẻ em để phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em cần phải quan tâm hơn, xác định vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là rất quan trọng và hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh bản thân và tăng cường thông tin tuyên truyền trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nêu quan điểm, nhận thức chung của xã hội về giáo dục con cái vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, nhiều cha mẹ coi việc trừng phạt con như một biện pháp dạy con. Cộng đồng còn giữ tư tưởng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” nên tình trạng bạo lực gia đình với trẻ em còn ít được phát hiện và xử lý.
Quan tâm đến vấn đề nguồn lực trong thực thi pháp luật, một số ý kiến tại hội thảo nêu rõ nguồn lực là vấn đề cốt yếu để luật đi vào thực tế cuộc sống, do đó phải quy định rõ nguồn lực cơ sở vật chất, kinh phí và con người. Phải quy định việc bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình đầy đủ, ưu tiên trong phân bổ nguồn lực. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
ThS. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tich Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Cho ý kiến vào một số vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật, ThS. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tich Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị bổ sung từ ngữ vào Điều 5 về Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó, nội dung được sửa thành “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và quyền con người, quyền trẻ em trong phòng, chống bạo lực gia đình”, và nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhóm yếu thế cần được thể hiện xuyên suốt trong các quy định phía sau của Luật. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cha mẹ sử dụng các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ.
Đối với nội dung về việc tuyên truyền, phổ biến thông tin nhằm phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định về tuyên truyền, phổ biến kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo lực gia đình cho trẻ em; bổ sung hình thức “sinh hoạt đội” trong quy định về các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục dành cho trẻ em.
Về công tác tư vấn, hoà giải, các chuyên gia cho rằng, người thực hiện tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, bên cạnh chứng chỉ tư vấn cần có kiến thức và kỹ năng làm việc thân thiện với trẻ em. Áp dụng biện pháp góp ý, phê bình đối với người có hành vi bạo lực gia đình đối với người từ 18 tuổi trở lên, là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và thống nhất với các quy định khác của dự thảo.
Cho rằng trẻ em thường khó tiếp cận được với các địa chỉ báo tin, xử lý bạo lực gia đình đã được được liệt kê trong dự thảo Luật, ThS. Hà Đình Bốn cùng các chuyên gia đề nghị bổ sung thầy cô giáo, hàng xóm và bất cứ người lớn nào vào đối tượng báo tin, xử lý hành vi bạo lực. Các địa chỉ tiếp nhận tin báo về các vụ việc bạo lực gia đình nên để các tổ chức thay vì người đứng đầu các tổ chức như quy định tại khoản 2 điểm đ Điều 27.
Về cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, các chuyên gia đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội. Về nguyên tắc cải cách hành chính, phân công phân quyền trong tổ chức bộ máy, một lĩnh vực, một số lĩnh vực gần nhau chỉ nên giao cho một cơ quan quản lý nhà nước, để bảo bảo chỉ đạo tập trung thống nhất, không trùng chéo. Lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là lĩnh vực xã hội, giải quyết một số vấn đề xã hội đang đặt ra là bạo lực gia đình, gắn với định kiến giới, bất bình đẳng giới nên chăng giao cho Bộ đang đảm nhiệm các công tác xã hội liên quan trực tiếp quản lý để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay, quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình đang giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một cơ quan chuyên về quản lý về văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí và du lịch. Trong khi các dịch vụ công, cung cấp các dịch vụ cho các đối tượng bị bạo lực gia đình lại chủ yếu thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia kiến nghị các cơ quan Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, xem xét chuyển chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, để quản lý tập trung thống nhất các vấn đề xã hội: trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, người cao tuổi, người khuyết tật./.