CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỆN ẢNH: CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI

25/03/2022

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam là cần thiết tuy nhiên cần đảm bảo tính khả thi của chính sách ưu đãi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo một số vấn đề về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, quy định về chính sách Nhà nước tại dự thảo Luật được xây dựng và chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành và yêu cầu thực tế. Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp điện ảnh. Dự thoả Luật cũng quy định khái quát về chính sách ưu đãi tín dụng, thuế và đất đai nhằm thúc đẩy đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển điện ảnh

Cùng với đó, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nhận thấy, quy định tại dự thảo Luật cũng phù hợp với pháp luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, thể hiện quản điểm của Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các dịch vụ để khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài sản, quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ để phát triển điện ảnh; phù hợp xu hướng của các quốc gia trên thế giới và đặc thù của lĩnh vực điện ảnh. Dự thảo Luật cũng quy định một điều riêng nhằm nhấn mạnh yếu tố quan trọng, thể hiện rõ hơn chính sách phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, khắc phục bất cập trong thực tiễn chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, đặc biệt là hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý có một số ý kiến đề nghị không quy định Điều 41 tại dự thảo Luật để đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về thuế. Tuy nhiên, quy định tại Điều 41 dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, ý kiến của nhiểu tổ chức, cá nhân hoạt động điện ảnh nhằm tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án giữ nguyên quy định như dự thảo Luật và phương án bỏ quy định tại Điều 41, rà soát nội dung để bổ sung quy định khái quát về chính sách Nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại phiên họp

Thay mặt Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, Chính phủ và cơ quan thẩm tra nhận thấy việc quy định riêng những chính sách phát triển điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh gây nên trùng lặp nội dung. Do vậy, Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng gộp các chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp điện ảnh. Bên cạnh đó, Chính phủ và cơ quan thẩm tra cũng thống nhất gộp các quy định về Nhà nước đầu tư và Nhà nước hỗ trợ vào một khoản  để linh hoạt trong đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh theo điều kiện cụ thể từng thời kỳ và tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực xã hội tham gia vào  phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chính phủ và cơ quan thẩm tra nhận thấy việc quy định rõ hơn ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với phát triển điện ảnh sẽ tạo thuận lợi trong việc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thống nhất chủ trương, chính sách phát triển điện ảnh đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cụ thể các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai là chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và các luật về thuế có liên quan, đồng thời chưa đúng với tinh thần “hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các quy định về thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế” được nêu trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị,…

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện nay, dự thảo Luật đang quy định có chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi liên quan đến giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, thuế giá trị gia tăng. Theo đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng nếu quy định như dự thảo Luật mà không sửa đồng bộ trong Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ không có tính khả thi, nếu quy định về chính sách ưu đãi như trong dự thảo Luật thì phải sửa đồng bộ Luật Thuế giá trị gia tăng, do đó đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng bày tỏ băn khoăn về quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai cho hoạt động điện ảnh

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng bày tỏ băn khoăn về quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai cho hoạt động điện ảnh. Khẳng định các quy định về tín dụng, thuế và đất đai phải tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành, do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng không nên đặt vấn đề chính sách ưu đãi trong dự thảo Luật, nếu giữ quy định này thì đề nghị thêm cụm từ "theo quy định pháp luật hiện hành".

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, khi đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay phim hoặc sử dụng dịch vụ sẽ không chỉ riêng vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, mà còn liên quan đến các quy định pháp luật thuế khác như thuế xuất, nhập khẩu, thuế về thu nhập doanh nghiệp,…Ngoài ra, khi đoàn làm phim có thu nhập từ Việt Nam và không hiện diện thương mại ở Việt Nam thì vẫn phải chịu nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, còn thuế VAT và hoàn thuế sẽ liên quan đến dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng. Do đó, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát lại để đảm bảo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng quy định trong dự thảo Luật về ưu đã tín dụng, thuế và đất đai còn chung chung, chưa rõ ràng. Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nêu rõ, nếu chưa có chương trình cụ thể sửa đồng bộ các luật liên quan đến thuế và đất đai thì không nên quy định ưu đãi vào trong dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị rà soát các quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi trên thực tế, đặc biệt là tính hợp pháp với các quy định pháp luật

Thảo luận về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định việc quy định các chính sách của Nhà nước để phát triển điện ảnh và hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh là chính sách lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có chương trình sửa đổi các quy định của pháp luật về thuế, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, tín dụng, đất đai,….do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần rà soát tổng thể các chính sách hiện hành về cơ chế thực hiện, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế để xác định các chính sách phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh phù hợp với thời kỳ phát triển của khoa học, công nghệ. Đồng thời đề nghị rà soát các quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi trên thực tế, đặc biệt là tính hợp pháp với các quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nay các quy định đến thuế chưa sửa nên việc quy định ưu đãi liên quan đến giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, thuế giá trị gia tăng,…như trong dự thảo Luật sẽ không có tính khả thi

Đồng tình với quan điểm của các đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nay các quy định đến thuế chưa sửa nên việc quy định ưu đãi liên quan đến giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, thuế giá trị gia tăng,…như trong dự thảo Luật sẽ không có tính khả thi. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế nhằm làm rõ việc cần có chính sách như thế nào để khuyến khích, ưu đãi đưa các đoàn làm phim vào quảng bá, phát triển cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đồng thời đánh giá tác động, sự thuyết phục của các chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp

Cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy định các chính sách hỗ trợ đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến các nhà làm phim và kinh nghiệm quốc tế để biết họ cần hỗ trợ điều gì, tránh tình trạng ban hành những quy định mà các tổ chức không cần hoặc những điều kiện các tổ chức cần lại không có quy định. Đồng thời nêu rõ, nếu không có quy định về chế độ ưu đãi sẽ không có căn cứ để xác định chế độ ưu tiên cho các tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần tiếp thu và hoàn thiện thêm dự thảo Luật, tránh tình trạng "luật khung, luật ống".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh công nghiệp phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát, đảm bảo tính khả thi của chính sách nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ý kiến của các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành tại phiên họp; đồng thời tiếp tục chủ trì, chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện các văn bản có liên quan để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào ngày 29/3. Sau đó, gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, hoàn thiện gửi hồ sơ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV…/.

Minh Thành

Các bài viết khác