BẮC NINH: LẤY Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

25/03/2022

Sáng 25/3, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tổ chức lấy ý kiến vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân khẳng định Bắc Ninh luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ đến các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về công tác phòng, chống BLGĐ. Thực tế số vụ BLGĐ có xu hướng giảm qua các năm nhưng tình trạng BLGĐ vẫn diễn biến phức tạp. Từ 2008 đến nay toàn tỉnh có 2009 vụ BLGĐ. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các giải pháp phòng, chống BLGĐ, trong đó có sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ cho phù hợp thực tiễn.

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, cộng đồng về phòng, chống BLGĐ có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn còn khá phổ biến, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức pháp luật về phòng, chống BLGĐ chưa cao, nhiều phụ nữ còn tâm lý ngại ngùng nên không tìm đến trợ giúp của cơ quan chức năng khi bị BLGĐ. Bên cạnh đó, một số nội dung quy định của luật hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Xuất phát từ thực tế trên, Dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét tại tại kỳ họp thứ Ba. Dự án Luật này gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Qua đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống BLGĐ; khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành; bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. 

Từ thực tiễn thi hành luật ở tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Tiên Du nói riêng, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết và các nội dung của Dự án Luật. Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu mức xử lý hành vi bạo lực gia đình để kịp thời bảo vệ hiệu quả cho nạn nhân. Có ý kiến cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính với người có hành vi BLGĐ bằng tiền cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nạn nhân. Vì thế, thay vì phạt tiền thì nên xử phạt đối với người gây ra hành vi bạo lực như buộc lao động công ích. Có ý kiến đề nghị sửa đổi các quy định về tư vấn, hòa giải; quy định cụ thể hơn nữa về đầu mối chịu trách nhiệm xử lý người có hành vi BLGĐ và hỗ trợ phòng ngừa BLGĐ tái diễn; hỗ trợ người có hành vi BLGĐ cai nghiện rượu, bia hoặc các chất gây nghiện khác.

Các ý kiến sẽ được Ủy ban Xã hội tiếp thu, tổng hợp, làm căn cứ xây dựng Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống BLGĐ trình Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Bắc Ninh)

Các bài viết khác