BỘ QUỐC PHÒNG TRẢ LỜI CỬ TRI TỈNH THÁI BÌNH VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ ĐỐI VỚI SINH VIÊN RA TRƯỜNG ĐÃ CÓ VIỆC LÀM

18/03/2022

Vừa qua, thực hiện công tác trả lời đơn thư của cử tri với nội dung kiến nghị hướng dẫn việc thực hiện quy định Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp đối với các đối tượng sinh viên khi ra trường đã có việc làm mà vẫn còn trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời cử tri tỉnh Thái Bình.

 

Cử tri tỉnh Thái Bình cho rằng cần có hướng dẫn việc thực hiện quy định Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp đối với các đối tượng sinh viên khi ra trường đã có việc làm mà vẫn còn trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 19/BDN với nội dung kiến nghị Nhà nước nghiên cứu có hướng dẫn việc thực hiện quy định Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp đối với các đối tượng sinh viên khi ra trường đã có việc làm mà vẫn còn trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời nêu rõ, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 tại khoản 2 Điều 4 quy định về nghĩa vụ quân sự đối với công dân như sau: “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này”.

Đối với công dân đã được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, tốt nghiệp ra trường còn trong độ tuổi phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015: “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Bộ Quốc phòng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, trong đó có đối tượng tốt nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm: Thông tư số 140/2016/TT-BQP ngày 16/12/2016 và được thay thế bởi Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; Thông tư số 220/2016/TT-BQP ngày 29/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của Quân đội.

Như vậy, theo Bộ Quốc phòng, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ hướng dẫn về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ nói chung; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã có việc làm nói riêng thực hiện nghĩa vụ quân sự thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng xã hội đối với mọi công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hằng năm nước ta có hàng chục vạn thanh niên đào tạo trình độ cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường; trong số đó, Nam công dân chiếm trên 65% và cơ bản còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ (dưới 27 tuổi); trong hai năm 2019- 2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có việc làm đạt khoảng 70% chủ yếu ở các khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Căn cứ quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu tổ chức biên chế và yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội; những năm qua, tỷ lệ công dân tốt nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học nhập ngũ vào Quân đội chiếm khoảng 5% so với tổng chỉ tiêu công dân nhập ngũ. Quá trình tại ngũ, đa số công dân có trình độ đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn trong quá trình công tác tại đơn vị, nhất là những chuyên ngành cần cho Quân đội; trong số đó, nhiều đồng chí đã được xét tuyển đào tạo văn bằng 2 để bổ sung vào đội ngũ sĩ quan; một số hết thời hạn phục vụ tại ngũ được tuyển chọn sang quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong Quân đội; số còn lại hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương, được tiếp nhận lại nơi làm việc trước khi nhập ngũ để tiếp tục công tác, tạo nguồn cán bộ cơ sở, phát huy kiến thức được đào tạo và quá trình rèn luyện trong quân ngũ; ổn định cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương./.

Minh Hùng

Các bài viết khác