BỘ XÂY DỰNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TP.HẢI PHÒNG VỀ VIỆC BỔ SUNG DANH MỤC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI VÀO DANH MỤC ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

18/03/2022

Vừa qua, thực hiện công tác trả lời đơn thư của cử tri với nội dung kiến nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp) vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để sớm bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời cử tri TP. Hải Phòng.

 

Cử tri Hải Phòng quan tâm đến việc bố trí nguồn vốn triển khai tực hiện các dự án nhà ở xã hội (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 57/BDN của Ban Dân nguyện, chuyển kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới Quốc hội với nội dung kiến nghị xem xét bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp) vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để sớm bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện; tạo điều kiện cho ngươi lao động yên tâm ổn định chỗ ở; vừa đảm bảo an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân; hỗ trợ kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 807/ BXD-QLN trả lời cử tri TP. Hải Phòng. Theo đó, cùng với việc thực hiện các chính sách phát triển nền kinh tế, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Với các chính sách đã ban hành, kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là một trong những khu vực chịu tác động lớn nhất do đây là những khu tập trung đông người dẫn tới khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch gây ảnh hưởng tới việc ổn định đời sống và việc làm của người công nhân. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Để có nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có các văn bản số 115/BXD-KHTC ngày 09/01/2020, số 970/BXD-KHTC ngày 09/3/2020 gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư; văn bản số 2671/BXD-QLN ngày 14/7/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi nhà ở xã hội vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 02 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là: (1) Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; (2) Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

Để khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã triển khai các giải pháp: xây dựng Chương trình hành động; có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình – kế hoạch phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội; tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi (nếu có) của Chủ đầu tư các dự án này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc với các địa phương ngay trong quý I năm 2022 để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Xây dựng ghi nhận các kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương tập trung trong việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân./.

Minh Hùng

Các bài viết khác