Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021 hàng triệu người lao động mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xảy ra liên tục trong 02 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương… Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Do đó, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 01 năm của người lao động là không quá 300 giờ được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ
Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Theo đó, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, về cơ bản, hồ sơ của dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Phiên họp thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội. Tuy nhiên, mặc dù đã bổ sung hồ sơ, song vẫn còn nhiều thông tin, nội dung trong Hồ sơ dự thảo Nghị quyết chưa được cập nhật, chưa được cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu; Báo cáo đánh giá tác động vẫn còn sơ sài, chưa toàn diện, chưa đưa ra nhiều phương án để cân nhắc lựa chọn, một số thông tin, cơ sở để đánh giá, đề xuất chính sách vẫn là những thông tin được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất mở việc áp dụng thời giờ làm thêm trong 01 năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc và việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng. Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc áp dụng mức trần theo đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch COVID-19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và những người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Do đó, để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng nói trên và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định theo hướng loại trừ. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc tăng thời giờ làm thêm được dư luận xã hội rất quan tâm, các doanh nghiệp cũng đã có đề nghị từ quý IV năm 2020. Bên cạnh đó, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 cũng đã bàn về vấn đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải đặt vấn đề khía cạnh quy định như thế nào để vừa bảo vệ cho người lao động nhưng vừa trả công xứng đáng cho người lao động đã làm thêm trên thực tế, hiện nay người lao động đã làm thêm và sắp tới còn phải làm thêm theo quy định của Nghị quyết. Cùng với đó, cần đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo sức khoẻ và điều kiện lao động lâu dài cho người lao động; căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khoẻ của người lao động, điều kiện của người lao động và phải đảm bảo thoả thuận bình đẳng công khai, không được áp đặt; trả công xứng đáng và theo thoả thuận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong bối cảnh hết sức đặc biệt cho nên cần lấy lý luận và nguyên tắc làm luật ở thời điểm đặc biệt.
Bày tỏ thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến người lao động, lắng nghe thêm ý kiến các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đại diện cho các hiệp hội ngành nghề,…nhằm có cơ sở thực tiễn để khi ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với mong muốn của các doanh nghiệp cũng như người lao động. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị phải ghi rõ trong Nghị quyết có sự thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, nhưng cần ghi rõ là được sự đồng ý của người lao động. Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát để quy định chế độ tiền lương tương xứng với thời gian bị kéo dài.
Nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 2 năm đã tác động không nhỏ đến người dân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, một bộ phận người lao động giảm đã sút sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, giảm sút cả việc làm, thu nhập và có hoang mang về dịch bệnh, ăn uống thiếu dinh dưỡng, trong khi đó điều kiện thể lực nền đã hạn chế. Do đó đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung những biện pháp mang tính đồng bộ để vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, như cơ chế phòng ngừa sự lạm dụng, cơ chế bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, chế độ phúc lợi sau khi tăng giờ làm thêm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận sơ bộ nội dung phiên họp
Kết luận sơ bộ nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kĩ hơn về việc nâng thời giờ trong tuần và trong năm. Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đàm phán linh hoạt và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tăng cường tuyên truyền, thông tin đến giới chủ, các hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động để thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết này, đồng thời bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động với bối cảnh đặc biệt hiện nay, cố gắng hỗ trợ và tăng cường các chế độ phúc lợi cho người lao động để cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua./.