Chương trình giám sát dưới sự chủ trì và điều hành của ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Phạm S - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng tham dự có các ĐBQH: ông K’ Nhiễu và bà Trịnh Thị Tú Anh; các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các sở, ban, ngành liên quan.
Chủ trì buổi giám sát: ông Nguyễn Tạo (phải) và ông Phạm S.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Chương trình giám sát chuyên đề được thực hiện theo Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát năm 2022. Qua đó nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện của các cơ quan tư pháp tại địa phương, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều KNTC; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.
Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các Ban của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Hội Nông dân tỉnh, huyện trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là rà soát các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ. Qua đó đã góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC, hạn chế phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi giám sát.
Theo báo cáo, toàn tỉnh đã tiếp 23.558 lượt công dân với 16.839 vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh, trong đó: tiếp thường xuyên là 13.645 lượt; tiếp định kỳ của lãnh đạo là 9.730 lượt và tiếp đột xuất của lãnh đạo 183 lượt. Có 2.248 vụ việc khiếu nại, 379 vụ việc tố cáo và 14.176 vụ việc kiến nghị, phản ánh. Có 9.342 vụ việc được hướng dẫn trực tiếp; 1.646 hướng dẫn bằng văn bản qua tiếp công dân. Thụ lý giải quyết theo thẩm quyền 6.780 vụ việc và chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết 4.294 vụ việc. Nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, nhà, tài sản, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, chế độ, chính sách đối với người có công… thuộc các lĩnh vực hành chính, tư pháp và lĩnh vực khác, trong đó: lĩnh vực hành chính 14.433 vụ việc (chiếm 85,7%); lĩnh vực tư pháp 2.169 vụ việc (chiếm 12,9%); lĩnh vực thi hành án 237 vụ việc (chiếm 1,4%). Số đoàn đông người thông qua việc tiếp công dân là 332 đoàn/273 vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; không phát sinh các vụ việc lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối mất trật tự, an toàn xã hội tại địa phương phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC, Đoàn giám sát nhận định: công tác tiếp công dân, xử lý đơn thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế; việc giải quyết đơn thư quá thời hạn, chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định; việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo còn chậm… Bên cạnh đó, việc tiếp công dân của người đứng đầu chưa bảo đảm số ngày theo quy định của pháp luật; việc hướng dẫn, giải thích qua công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn và giải quyết KNTC của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có mặt còn hạn chế, dẫn đến vẫn còn tình trạng đơn KNTC vượt cấp đến các cơ quan Trung ương làm phát sinh các Đoàn KNTC đông người có tính chất phức tạp, kéo dài…Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn hạn chế; một số cán bộ, công chức chưa thực sự chú trọng áp dụng hệ thống trong xử lý công việc, cập nhật thông tin. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC đã được UBND tỉnh, một số sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế; chưa tổ chức được nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế. Việc thực hiện chế độ báo cáo của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm chú trọng thực hiện, báo cáo còn chậm, sơ sài, thông tin, số liệu chưa chính xác…
Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến.
Tại buổi giám sát, các đại biểu tham dự cũng đã nêu ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế và dề xuất gải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác này trong thời gian tới. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá, giải trình thêm về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được nêu ra; đồng thời sẽ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất. Song song đó sẽ tục tăng cường quán triệt, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC, các văn bản quy định, hướng dẫn nghiệp vụ đến cán bộ, công chức nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức để đảm bảo việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC có hiệu quả và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước./.