NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẨM TRA, GIÁM SÁT CỦA CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

23/02/2022

Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc), chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải cho biết cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND; đảm bảo các Ban HĐND được sớm tiếp cận tài liệu và tham gia thẩm tra nhiều lần; làm tốt công tác chuẩn bị giám sát và công khai quá trình và kết quả giám sát để cử tri, nhân dân biết theo dõi, giám sát.

Đổi mới từ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện

Để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải cho biết, trước hết cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND, trong đó có hoạt động thẩm tra của các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy cho ý kiến đều phải có ý kiến thẩm tra sơ bộ của các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sự đổi mới này thực sự có ý nghĩ tích cực, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Cùng với đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần đổi mới trong việc chỉ đạo, phân công thẩm tra đảm bảo các Ban HĐND được sớm tiếp cận tài liệu và tham gia thẩm tra nhiều lần. Theo đó, lần thứ nhất khi UBND gửi hồ sơ đề nghị Thường trực HĐND xem xét chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết. Thường trực HĐND phân công các Ban nghiên cứu, đề xuất (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định). Lần thứ hai, trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy Ban cán sự Đảng UBND gửi hồ sơ để Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh, cấp hyện chỉ đạo Thường trực HĐND giao các Ban theo lĩnh vực để thẩm tra sơ bộ. Khi Ban thẩm tra sơ bộ xong, Thường trực HĐND nghe Ban báo cáo kết quả, trên cơ sở đó Thường trực HĐND chuẩn bị nội dung giúp Đảng đoàn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy cho ý kiến về nội dung trình tại kỳ họp. Lần thứ ba, Thường trực HĐND giao cho Ban thẩm tra chính thức chuẩn bị trình kỳ họp HĐND:  Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND để thẩm tra. Sau khi thẩm tra, các Ban báo cáo kết quả với Thường trực HĐND để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình HĐND tại kỳ họp.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải, việc Thường trực HĐND đổi mới phân công các Ban chủ động tiếp cận sớm tài liệu, hồ sơ và thẩm tra 03 lần nêu trên có tác dụng kiểm định, sàng lọc, chốt chặn ngay từ ban đầu. Đối với các nội dung không đảm bảo cơ sở pháp pháp lý và căn cứ thực thực tiễn hoặc không thuộc thẩm quyền của HĐND, không đảm bảo tính khả thi, chưa bố trí được nguồn lực, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy không thông qua nội dung này, đồng thời làm căn cứ để Thường trực HĐND quyết định không đưa vào chương trình kỳ họp.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng nội dung, chương trình kỳ họp. Thường trực HĐND tổ chức cuộc họp liên tịch trước kỳ họp 45 ngày với đại diện UBND, Uỷ ban MTTQ, Trưởng, Phó các Ban của HĐND để thảo luận thống nhất nội dung trình kỳ họp. Sau cuộc họp có thông báo kết luận của Thường trực HĐND phân công các cơ quan chuẩn bị báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, phân công các Ban thẩm tra, đôn đốc các cơ quan gửi báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu đúng thời hạn theo quy định của pháp luật để các Ban thẩm tra. Trong trường hợp báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết chưa đạt yêu cầu các cơ quan chuẩn bị phải bổ sung, kiên quyết không đưa ra kỳ họp các đề án, dự thảo nghị quyết các cơ quan chức năng gửi chậm và chất lượng kém, chưa đạt yêu cầu.

Các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phải làm tốt công tác chuẩn bị thẩm tra. Muốn vậy, các Ban phải thường xuyên thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thẩm tra; chủ động yêu cầu UBND và các cơ quan hữu quan gửi báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu liên quan trong thời gian sớm nhất, không nên thụ động chờ các cơ quan gửi đến; Trưởng Ban cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để các thành viên chủ động nghiên cứu trước và tham gia từ giai đoạn các cơ quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, báo cáo đề án; cần tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia về lĩnh vực thẩm tra; trong trường hợp xét thấy cần thiết đề nghị Thường trực HĐND tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, khảo sát, đi thực tế; cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, các đối tượng tác động của nghị quyết...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Quá trình thẩm tra của các Ban HĐND phải được thực hiện đúng quy trình, khách quan, trung thực, chỉ ra những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của cơ quan thẩm tra và có những kiến nghị xác đáng, khả thi. Tại hội nghị thẩm tra yêu cầu UBND và các cơ quan giải trình vào những vấn đề còn chưa rõ, chưa thống nhất; tập trung thảo luận nội dung trọng tâm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban thẩm tra phân công thư ký ghi biên bản nội dung buổi thẩm tra, ghi đầy đủ ý kiến phát biểu, quan điểm của các cơ quan liên quan, lưu giữ làm căn cứ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải cũng cho biết, để nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, khi xây dựng báo cáo thẩm tra phải kết hợp được những thông tin từ quá trình giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri. Báo cáo phải thể hiện rõ quan điểm nhất trí, hay không nhất trí, những ý kiến khác nhau; những cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, tính thực tiễn, đề xuất, kiến nghị... tránh tình trạng chung chung đi vào xem xét câu chữ, các số liệu cụ thể. Đối với các dự thảo Nghị quyết mà nội dung chuẩn bị chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương thì các Ban phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND không thông qua để đảm bảo chất lượng và tính khả thi. 

Làm tốt việc lựa chọn nội dung giám sát

Đối với hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải cho biết, phát huy vai trò của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát đối với Ban HĐND; bảo đảm cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực; điều hòa đối tượng giám sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; phải hạn chế tối đa trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát.

Các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần làm tốt việc lựa chọn nội dung giám sát. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo thành công và hiệu quả cuộc giám sát. Nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về kinh tế - xã hội của địa phương; giám sát các nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ chương, chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND; các vấn đề nổi cộm được nhân dân, cử tri và dư luận quan tâm,…

Các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phải làm tốt công tác chuẩn bị giám sát trước khi tổ chức giám sát. Từ việc nắm bắt, thu thập thông tin, khảo sát vấn đề đến lập đề cương và xây dựng kế hoạch giám sát. Kế hoạch lịch trình giám sát cần được xây dựng khoa học, đảm bảo thời gian cho các đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo, thời gian cho các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu sâu tài liệu trước khi tiến hành giám sát. Thành phần đoàn giám đảm bảo chất lượng, tinh gọn, khoa học, hiệu quả. Đối với các vấn đề phức tạp, cần tổ chức nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để phục vụ giám sát.

Hình ảnh tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Quá trình tổ chức giám sát cần linh hoạt sử dụng phương thức và hình thức giám sát phù hợp, hiệu quả. Cần tăng thời lượng giám sát trực tiếp, sâu sát hướng về cơ sở, giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian trao đổi. Linh hoạt trong việc tổ chức buổi làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát để phòng chống dịch Covid-19.

Nâng cao chất lượng báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Báo cáo giám sát phải đánh giá rõ kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế bất cập trong quá trình tổ chức triển khai các nghị quyết, chính sách, pháp luật, xác định được trách nhiệm của các chủ thể liên quan và đề xuất hướng giải quyết khả thi; kiến nghị rõ, đúng cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, khắc phục.

Các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong quá trình giám sát sử dụng khai thác có hiệu quả các phương tiện ghi âm, ghi hình phục vụ hoạt động giám sát; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải công khai quá trình và kết quả giám sát để cử tri, nhân dân biết theo dõi, giám sát.

Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 theo hướng, quy định cụ thể về thẩm quyền của HĐND từng cấp trong hoạt động giám sát; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số phương thức hoạt động giám sát của HĐND được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhưng Luật hoạt động giám sát không quy định trình tự, thủ tục thực hiện trong; quy định cụ thể quy trình để Tổ đại biểu HĐND giám sát.

Xem xét sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy định Ban của HĐND thẩm tra để giúp Thường trực HĐND xem xét, chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết bởi vấn đề này hiện Luật không quy định.

Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND để HĐND áp dụng thống nhất khi tiến hành một cuộc giám sát; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 759 về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của HĐND cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015./.

Bảo Yến