Kỳ họp HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng của HĐND, là diễn đàn phát huy dân chủ, nơi HĐND thể hiện rõ vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của nhân dân. Việc nâng cao chất lượng kỳ họp góp phần quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Nâng cao chất lượng kỳ họp là chủ đề rộng, hàm chứa nhiều hoạt động: từ công tác chuẩn bị kỳ họp (dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp; xây dựng báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; tiếp xúc cử tri; giám sát, thẩm tra…) đến việc tổ chức kỳ họp (việc điều hành của chủ tọa, chất lượng thảo luận, chất vấn của đại biểu, công tác thông tin tuyên truyền…) và các nội dung sau kỳ họp (hoàn chỉnh văn bản, tổ chức thực hiện các nghị quyết, rút kinh nghiệm…). Tất cả đều là những mắt xích quan trọng, quyết định trực tiếp tới chất lượng kỳ họp.
Hình ảnh tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức 05 kỳ họp (kỳ thứ nhất tập trung vào công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; 02 kỳ họp thường kỳ hằng năm theo luật định; 02 kỳ họp chuyên đề để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất). Công tác tổ chức kỳ họp có những tiến bộ rõ nét về nội dung và cách thức tiến hành, trong đó chú trọng nêu cao trách nhiệm của đại biểu dân cử, phát huy trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ; lựa chọn nội dung mà cử tri và nhân dân bức xúc, quan tâm để quyết định giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tính đến tháng 2/2022, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 116 nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nguyện vọng chính đáng của người dân. Một số nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá như: Nghị quyết Quy định một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết ban hành Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ và một số nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của HĐND các nhiệm kỳ trước và thực tiễn hoạt động tổ chức kỳ họp, để đảm bảo dân chủ và phát huy tinh thần, trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận tại kỳ họp, theo Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình cần tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, gửi tài liệu kỳ họp đúng thời gian quy định, phát huy vai trò của các tổ đại biểu trong nghiên cứu tài liệu trước kỳ họp.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã thực hiện ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong đó thống nhất quy định rõ thời hạn gửi tài liệu kỳ họp là “chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp” để gửi sớm cho đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh thẩm tra có thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt sâu nội dung kỳ họp, từ đó tích cực, chủ động tham gia ý kiến.
Trong điều kiện thời gian dành cho thảo luận của đại biểu tại mỗi kỳ họp không nhiều, để nâng cao chất lượng thảo luận, cần phát huy vai trò của các tổ đại biểu trong việc tổ chức cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận trước những nội dung trọng tâm của kỳ họp.
Thứ hai, dành thời gian phù hợp cho thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh
Khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về thời gian, nội dung kỳ họp HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu xây dựng chương trình kỳ họp đảm bảo tính hợp lý, khoa học, linh hoạt: Chương trình kỳ họp cần xác định nội dung theo nhóm vấn đề tạo điều kiện để đại biểu theo dõi và xem xét vấn đề cần thảo luận một cách liên tục, có hệ thống, dễ phát hiện vấn đề để đưa ra trao đổi, thảo luận, đồng thời quy định thời gian cụ thể trong từng ngày họp, rút ngắn thời gian đọc các báo; tăng thời gian thảo luận giúp đại biểu HĐND tỉnh và các ngành chuyên môn có điều kiện trao đổi, thảo luận, đối chiếu thông tin trước khi biểu quyết.
Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh
Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh là cơ sở quan trọng để đại biểu tham gia thảo luận và quyết định các nội dung của kỳ họp. Vì vậy, sau dự kiến nội dung kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan xây dựng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết ngay từ đầu để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng thẩm tra.
Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình
Thứ tư, phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh - Chủ tọa kỳ họp trong điều hành thảo luận và vai trò của các Tổ trưởng tổ thảo luận.
Điều hành của Chủ tọa kỳ họp là vấn đề khoa học và là nghệ thuật, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kỳ họp nói chung và chất lượng thảo luận nói riêng. Đối với mỗi hình thức thảo luận, Chủ tọa có cách thức điều hành và xử lý khác nhau.
Đối với thảo luận tổ, phân chia các tổ thảo luận trên cơ sở sự tương đồng về các yếu tố địa lý, dân cư, kinh tế - xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu trong Tổ trao đổi, thảo luận. Để tránh tình trạng thảo luận dàn trải, thiếu tập trung, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng với các Ban xây dựng nội dung gợi ý cần tập trung thảo luận dưới dạng các câu hỏi theo các nhóm vấn đề được gửi tới các đại biểu cùng với các tài liệu kỳ họp để các đại biểu tham khảo. Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ thảo luận phân tích sâu hơn, đi thẳng vào vấn đề, từ đó công tác tổng hợp cũng thuận tiện và dễ dàng hơn.
Để giúp chủ tọa kỳ họp đánh giá được đầy đủ những vấn đề được nêu trong thảo luận làm cơ sở để phân bổ thời gian và chủ động trong điều hành thảo luận tại hội trường đòi hỏi công tác tổng hợp ý kiến thảo luận tổ phải kịp thời, chính xác, đầy đủ, khách quan.
Đối với thảo luận tại Hội trường, Chủ tọa kỳ họp phải tạo được không khí cởi mở, dân chủ, khích lệ được các đại biểu phát huy trí tuệ tập thể, tích cực tham gia ý kiến thảo luận, đề xuất được nhiều giải pháp thiết thực làm cơ sở cho HĐND quyết nghị đúng và sát thực. Để tiết kiệm thời gian, bản tổng hợp ý kiến thảo luận tổ không trình bày tại hội trường mà gửi để các đại biểu nghiên cứu. Đồng thời HĐND tỉnh Ninh Bình cũng hướng tới khuyến khích các đại biểu đi sâu, phân tích kỹ những nội dung cần làm rõ để đi đến thống nhất.
Để việc thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, Chủ tọa cần định hướng thảo luận tập trung vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các vấn đề bức xúc, thậm chí còn có ý kiến trái ngược nhau để các đại biểu thảo luận, tranh luận, đối thoại tại hội trường. Có thể nghiên cứu thiết lập đường dây nóng để tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề bàn thảo tại kỳ họp. Vấn đề nào xét thấy còn ý kiến khác nhau, trước khi quyết định, chủ tọa có thể phát phiếu thăm dò. Khi cần thiết, chủ tọa có thể yêu cầu các cơ quan hữu quan báo cáo, giải trình về vấn đề đại biểu quan tâm.
Thứ năm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh của người đại biểu
Để nâng cao chất lượng kỳ họp điều quan trọng là bản thân mỗi đại biểu phải xác định rõ vị trí, vai trò người đại diện của mình, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, năng lực và bản lĩnh của người đại biểu, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích cực nghiên cứu, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp làm việc, bám sát thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với cử tri và Nhân dân, khẳng định bản lĩnh chính trị, có chính kiến rõ ràng về các vấn đề bức xúc ở địa phương, không ngại đi sâu, đi sát, nêu vấn đề và tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình tại các kỳ họp HĐND, dám đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đáp ứng sự kỳ vọng và mong đợi của cử tri và Nhân dân địa phương. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Xây dựng chương trình đào tạo mang tính tổng thể, đồng bộ. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo cho phù hợp với từng loại đối tượng; đào tạo theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh; quan tâm tập huấn về kỹ năng phân tích chính sách, tiếp xúc cử tri, giám sát, thu thập và xử lý thông tin, thảo luận, tranh luận; về tính đại diện và tính chuyên nghiệp của đại biểu dân cử.
Thứ sáu, phát huy dân chủ qua hoạt động của cơ quan báo chí
Để tăng cường tính công khai, dân chủ trong hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh khuyến khích đại biểu trả lời phỏng vấn của báo chí, đại biểu có quyền phát biểu quan điển cá nhân về nội dung kỳ họp; đề nghị Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh chỉ đạo cử phóng viên theo dõi, đưa tin về hoạt động thảo luận tại các tổ đại biểu và tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân theo dõi nội dung, diễn biến kỳ họp, đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của đại biểu do mình bầu ra, đồng thời góp phần tăng cường ý thức và trách nhiệm của đại biểu.
Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình khẳng định, để đảm bảo dân chủ, phát huy tinh thần, trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc đảm bảo thông tin, tài liệu cho đại biểu, bố trí thời gian thảo luận hợp lý, phát huy vai trò điều hành của chủ tọa, các cơ chế pháp lý về chế độ, trách nhiệm của đại biểu đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu, phát huy sức mạnh của cơ quan ngôn luận trong hoạt động của HĐND tại kỳ họp. Đảm bảo dân chủ và nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu là yếu tố quan trọng có tính chất quyết định đến chất lượng kỳ họp HĐND nói riêng và chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung./.