Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 05
Thảo luận tại Phiên họp Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, việc sửa đổi nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu phân tích, chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam...
Đưa ra ý kiến về một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng nên đổi tên dự án Luật thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” để bảo đảm đầy đủ, bao quát giữa tên gọi và nội dung sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng các chỉ tiêu, đảm bảo tính khoa học, chính xác, liên kết, hiện đại để đáp ứng công tác thống kê; nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tích hợp số liệu điều tra 53 dân tộc vào Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia; làm rõ Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam…
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến phát biểu
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận và một số đại biểu đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có những nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp nhất như: giáo dục, khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Đồng thời, theo các đại biểu, xét trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các doanh nghiệp và người dân phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nền kinh tế hội nhập cao, thì số liệu thống kê phải thực sự hữu ích trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người kinh doanh ra được quyết định của mình trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng, cần có sự đổi mới từ thế chế, tư duy về thống kê, hướng thành ngành phục vụ cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Vì thế, nên tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển về lĩnh vực này. Đồng thời, ngành thống kê phải hướng đến dữ liệu đầu ra rất chính xác, hữu dụng, có khả năng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp với chi phí thấp nhất. Từ phân tích trên, các đại biểu cho rằng, cách xây dựng, tổ chức lại ngành thống kê hướng đến mục tiêu cao nhất phục vụ toàn xã hội, từ cơ quan ra quyết sách đến người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần văn kiện Đại hội Đảng XIII về xây dựng kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số và số liệu thống kê thực sự là đầu vào không thể thiếu.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự./.