ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG: TÍCH CỰC THẢO LUẬN TẠI TỔ VỀ 02 DỰ ÁN LUẬT

20/10/2021

Ngày 20/10, tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến 2 dự án luật này.

 

Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, tham dự thảo luận tại tổ, có 4 Đại biểu Quốc hội, gồm: ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông K' Nhiễu, Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Trịnh Thị Tú Anh, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng - K' Nhiễu nhấn mạnh về sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án luật, cơ bản thống nhất với hồ sơ và bố cục của dự án luật. Về nội dung, đại biểu K’ Nhiễu tham gia ý kiến một số vấn đề như:

Về Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13:

Trước khi dự thảo Luật ban hành thì lực lượng Công an xã cũng đã giải quyết kịp thời công tác phòng, chống tội phạm nhưng chưa được chính thức quy định trong luật. Thống nhất cao sự tham gia của Công an xã trong giai đoạn tiền tố tụng, thể hiện tính chính quy, chuyên nghiệp của lực lượng này.

Đề nghị quy định rõ cụm từ “chuyển ngay” tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật, phải có thời hạn cụ thể để tăng cường trách nhiệm của Công an xã.

Đề nghị sửa cụm từ “sơ bộ” thành “vụ việc” tại khoản 1: “3. Công an xã, ... có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác...” để thể hiện tính cụ thể, chính xác từng vụ việc để làm cơ sở cho cơ quan điều tra các cấp  thực hiện các bước tiếp theo trong tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm.

Về một số nội dung khác, nhiều ý kiến của các cơ quan tư pháp tại tỉnh Lâm Đồng đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ Luật tố tụng hình sự, cụ thể như sau:

Điểm a, Khoản 4, Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị hại có nghĩa vụ “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp được dẫn giải lại không quy định trường hợp người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng như quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Nội dung quy định như trên gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Khoản 2, Điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến Cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị truy nã để nhận người bị bắt như sau: “Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngày người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.”

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều đơn vị Công an cấp huyện cách Trại tạm giam Công an tỉnh hơn 100km, đường đèo dốc, gây khó khăn cho việc giải đối tượng truy nã đến Trại tạm giam sau khi nhận được Lệnh tạm giam của đơn vị ra quyết định truy nã gửi đến. Trong khi đó, hiện nay các đơn vị Công an cấp huyện vẫn đang thực hiện tạm giam bị can để điều tra tại Nhà tạm giữ Công an cấp huyện nên trong trường hợp Công an cấp huyện bắt được hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã theo quy định tại Khoản 2, Điều 114 Bộ luật tổ tụng hình sự năm 2015 thì tạm giam đối tượng truy nã tại Nhà tạm giữ của Công an cấp huyện là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng K Nhiễu tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng hình sự

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, về Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17), Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 17 của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 với nội dung: “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương. Trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội”.

Về Công bố thông tin thống kê nhà nước (bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48), thống nhất với việc bổ sung tại điểm d khoản 2 Điều 48 của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 với nội dung: “Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”.

Về Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia Ban hành kèm theo (thay thế Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13):

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét điều chỉnh bổ sung và không bỏ một số chỉ tiêu đã ban hành theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Cụ thể:

Về đất đai, dân số (Nhóm - 01)

-        Chỉ tiêu “Số cuộc kết hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu” (mã số 0111) chỉ nói đến cuộc hôn nhân thì phải có số cuộc hôn nhân và cần quan tâm đến lứa tuổi thanh niên ly hôn để có định hướng tuyên truyền, giáo dục đối với thế hệ trẻ, đề nghị xem xét bổ sung cụm từ ngữ là “số cuộc ly hôn và lứa tuổi thanh niên ly hôn từ 18 tuổi đến 32 tuổi” thành chỉ tiêu là “Số cuộc kết hôn, tuổi kết hôn trung bình lần đầu, cuộc ly hôn và lứa tuổi thanh niên ly hôn từ 18 tuổi đến 32 tuổi”. 

Về Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (Nhóm – 03)

-        Việc bỏ chỉ tiêu “Giá trị tăng thêm trên 01 đồng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp” (mã số 00305 Luật Thống kê) là chưa hợp lý, vì giá trị tài sản cố định có thể tăng hay giảm giá trị theo thời gian và nhu cầu thị trường, đó cũng là giá trị thật hay cũng là vốn sở hữu của doanh nghiệp. 

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Liên quan đến các chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Tạo cũng tham gia ý kiến liên quan về: Đầu tư và xây dựng (Nhóm – 04); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Nhóm – 08); Thương mại, dịch vụ (Nhóm – 11); Giao thông vận tải (Nhóm – 12); Khoa học và Công nghệ (Nhóm – 14); Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp (Nhóm – 19). Đồng thời, ý kiến về các vấn đề: Lao động, việc làm và bình đẳng giới số (Nhóm – 02);  Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Nhóm – 08); Công nghiệp (Nhóm – 09); Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông (Nhóm, tên chỉ tiêu 13); Y tế và chăm sóc sức khỏe (Nhóm – 16); nhóm, chỉ tiêu Kinh tế số./.

Kim Liên - Đức Hưng