Hội thảo được tổ trực dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến
Hội thảo “Tham vấn ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, phát triển thị trường KH&CN Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực như giá trị giao dịch KH&CN hàng năm tăng mạnh, cùng với đó là sự gia tăng số lượng các sáng chế mỗi năm, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội.
“Thị trường KH&CN có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường KH&CN vừa là nhiệm vụ, vừa là giải phải pháp giúp chuyển hóa “tri thức công nghệ” thành “giá trị kinh tế” tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, ông Phạm Đức Nghiệm, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN nhấn mạnh.
Phát triển thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, bối cảnh mới và yêu cầu phát triển thị trường KH&CN giai đoạn tới đặt ra những quan điểm phát triển chủ yếu sau:
Thứ nhất, thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Thứ hai, phát triển thị trường KH&CN lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế giúp đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế;
Thứ ba, phát triển của thị trường KH&CN đòi hỏi sự sẵn sàng của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cùng năng lực của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Nhà nước có vai trò kiến tạo và hỗ trợ thị trường KH&CN phát triển, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường;
Thứ tư, phát triển thị trường KH&CN cần được đặt trong mối quan hệ liên thông với thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; gắn kết sự phát triển của thị trường KH&CN trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ chung của quốc tế.
Trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được giai đoạn 2016 – 2020, ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng, mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là hướng đến phát triển mạnh thị trường KH&CN nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nâng cao vai trò của Nhà nước và các chủ thể thị trường KH&CN.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021 – 2025, ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đề xuất cần thực hiện các giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, về hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN: Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ báo cáo thống kê về thị trường KH&CN; Nghiên cứu, xây dựng báo cáo phân tích thị trường KH&CN cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực; Nghiên cứu, thiết kế các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, nghiên cứu, thiết kế phần mềm, công cụ quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm hỗ trợ các bên cung cầu và tổ chức trung gian; Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách liên thông thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động; …
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thị trường KH&CN; xây dựng tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ; cơ chế chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; tiêu chí và quy trình nghiệp vụ xác định, định danh sản phẩm KH&CN tham gia thị trường KH&CN; quy định và hướng dẫn hoạt động của các tổ chức trung gian. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường KH&CN.
Thứ hai, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối sàn giao dịch công nghệ quốc gia, các sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tại các vùng, các tổ chức trung gian của các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và liên thông với mạng lưới các tổ chức trung gian khu vực và quốc tế. Kết nối mạng lưới các tổ chức trung gian với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN ở các địa phương tạo thành mạng lưới thống nhất, toàn diện để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống; Hỗ trợ các tổ chức trung gian hiện có thông qua các hoạt động tư vấn nghiệp vụ, thiết kế và triển khai thí điểm dịch vụ, xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu, tổ chức hoặc tham gia các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN; Hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian đối với 06 ngành hàng xuất khẩu chủ lực; Xây dựng, duy trì, cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, trang thông tin điện tử về thị trường KH&CN.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ, và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ, chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện các báo cáo phân tích, tổng quan về thị trường KH&CN.
Bên cạnh đó: Hỗ trợ các hoạt động triển khai dịch vụ khai thác, cung cấp thông tin công nghệ, đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ, kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho các bên cung, cầu; Hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, lựa chọn, thương thảo, thực hiện giao dịch và tiếp nhận công nghệ, tiếp cận thông tin công nghệ, quản trị và phát triển tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, liên kết, hợp tác trao đổi và phát triển nhân lực KH&CN giữa doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu và đạo tạo;…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Thứ tư, thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hợp tác viện, trường – doanh nghiệp. Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đáp ứng yêu cầu thị trường; Hỗ trợ nghiên cứu, phân tích thị trường, nâng cấp và hoàn thiện công nghệ theo quy mô công nghiệp, sản xuất thử nghiệm, mô hình trình diễn công nghệ, hiệu chuẩn và hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, chứng nhận và công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ hữu trí tuệ, xây dựng phương án thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN: Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN quốc gia, quốc tế; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến công nghệ, kết nối chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế; Xây dựng và triển khai chương trình, dự án hợp tác xúc tiến công nghệ và chia sẻ chuyên gia giữa Việt Nam với các hiệp hội, đối tác công nghệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được tạo ra trong nước công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước.
Thứ sáu, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính: Hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời nắm vững các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết phục vụ cho các hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán hàng hóa KH&CN; Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ kiểm chuẩn, chứng nhận chất lượng sản phẩm có liên quan tới hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán hàng hóa KH&CN;
Đồng thời, thực hiện minh bạch hóa mua sắm công, nhất là đối với các hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, phải nhập khẩu từ nước ngoài; Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu chuyên gia hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường KH&CN; Xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huy động nguồn tài chính, tín dụng từ thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại để triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ có quy mô lớn thuộc phạm vi của Chương trình.
Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thị trường KH&CN cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước; hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức, cá nhân về trung gian, môi giới thị trường KH&CN; Thực hiện các chương trình truyền thông về thị trường KH&CN.
Thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường KH&CN trong sự kết nối với thị trường toàn cầu và khu vực. Gia nhập và trở thành thành viên tích cực của các hiệp hội tư vấn xúc tiến thị trường KH&CN quốc tế, trước hết là đối với khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á và một số thị trường khác như Singapore, Ấn Độ, Úc, Israel, Nam Phi ….
Thứ tám, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN: Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; Đầu tư, nâng cấp và phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối mạng lưới, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN.
Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường KH&CN, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu về thị trường KH&CN của các bộ, ngành và địa phương; Đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hoá và tích hợp dữ liệu nhằm hỗ trợ các bên cung, cầu, tổ chức trung gian, cơ quan quản lý nhà nước về thị trường KH&CN;…/.