BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRẢ LỜI CỬ TRI TỈNH KHÁNH HÒA

05/07/2021

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 3460 /BNN-TCLN gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIV.

Rừng bị phá để làm nương rẫy

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 92/BDN, ngày 06/4/2021. Qua đợt lũ miền Trung, cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng rừng, khả năng thực tế độ che phủ, tình hình phát triển nhất là khu vực miền Trung-Tây Nguyên, để có giải pháp căn cơ về môi trường; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng rừng, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và cần thông tin rộng rãi đến người dân để an tâm.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, với những yếu tố thời tiết hết sức cực đoan như: mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài, xâm ngập mặn,... tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất, đã ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, môi trường và các hệ sinh thái, đe dọa đến phát triển bền vững của đất nước; trong đó, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên là vùng thường xuyên chịu nhiều thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng. Vì vậy, việc rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng rừng, khả năng thực tế tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, đẩy mạnh công tác trồng rừng, trồng cây bản địa, tạo sinh kế cho người dân vùng núi là một trong những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để phát triển bền vững.

Để rà soát, đánh giá thực trạng diện tích, chất lượng, trữ lượng và tỷ lệ che phủ rừng, diện tích đất lâm nghiệp hiện có làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm kê rừng toàn quốc tại Tờ trình số 8800/TTr-BNN-TCLN ngày 16/12/2020, trong đó bao gồm cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

 Về cơ chế, chính sách, giải pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách về lĩnh vực Lâm nghiệp, điển 2 hình như: Xây dựng và triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án “Trồng một tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, khuyến khích người dân trồng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng có giá trị lâu dài, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng và phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, theo số liệu thống kê, cả nước có 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi đang hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất công, nông nghiệp, phòng chống lũ. Bên cạnh phát huy hiệu quả, đập, hồ chứa nước cũng tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây ngập lụt hạ du nếu không được quản lý an toàn. Do vậy, việc rà soát, đánh giá tác động, mức độ an toàn đập, hồ chứa nước và thông tin rộng rãi đến người dân như cử tri đề cập là cần thiết. Về công tác kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước được quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, hàng năm Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, kiên quyết không cho phép tích nước đối với các hồ hư hỏng, không đảm bảo an toàn.

 Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân về an toàn đập, hồ chứa nước bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Thông tin, tuyên truyền trên báo in, báo điện tử; phim, phóng sự trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình./.

Lê Anh