Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021. Cử tri tỉnh Bạc Liêu phản ánh: Giá phân bón tăng đột biến từ cuối năm 2020, nhất là giá phân vô cơ DAP, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Kiến nghị Bộ, Ngành chức năng kịp thời có các giải pháp cụ thể về vấn đề này, nhằm làm giảm áp lực lên chi phí sản xuất của nông dân.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian qua, giá một số loại phân bón vô cơ như: Ure, DAP, Kali tăng cả thị trường quốc tế và trong nước, đặc biệt từ đầu năm 2021. Theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cho thấy từ tháng 11/2020, giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón như lưu huỳnh, ammoniac (NH3), giá dầu, chi phí vận chuyển tăng đã ảnh hưởng đến giá phân bón. Cụ thể, giá DAP tăng khoảng 10,4%; giá Ure tăng khoảng 21,1%; giá phân lân biến động nhẹ (lân nung chảy tăng khoảng 1,9%); giá phân bón NPK tăng khoảng 5-10%.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thì giá phân bón SA tăng 62%; giá phân DAP nhập khẩu tăng 21-49% tùy loại, giai đoạn từ tháng 11/2020 đến 03/2021 giá DAP xanh nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 49%, giá DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 21%.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón để tìm giải pháp duy trì nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tăng tối đa công suất sản xuất, đồng thời tạm ngừng, hoãn thị phần xuất khẩu để tăng nguồn cung trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đảm bảo giá bán hợp lý. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện hiệu quả cam kết này. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất phân bón mở rộng mạng lưới cung ứng phân bón trực tiếp đến người nông dân nhằm tăng cường kiểm soát giá phân bón trong hệ thống, hạn chế tối đa sự tăng giá bất hợp lý trong khâu lưu thông.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 2 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ. Bộ luôn xác định phát triển phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, người dân sẽ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ; sử dụng cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ; khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu làm phân bón hữu cơ sẵn có trong nước như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt… /.