Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực (giữa) và Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (phải).
Phóng viên: Trước khi đến trường quay, các khách mời đã đến các điểm bầu cử, hai ông có thể chia sẻ không khí và cảm nhận về cuộc bầu cử lần này?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Tôi thấy Hà Nội ngày bầu cử tấp nập hơn nhưng rất trật tự, giao thông thông suốt, cờ hoa trang trí khẩu hiệu rất sôi nổi, có nhiều đội cổ động tuyên truyền bầu cử đi trên đường trông rất vui tươi nhưng vẫn trật tự. Tuy có giãn cách nhưng tôi thấy không khí kỳ bầu cử lần này rất vui tươi.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh: Tôi vinh dự được mời tham dự khai mạc, bỏ lá phiếu đầu tiên ở đơn vị bầu cử số 1 phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong tình hình rất đặc biệt so với các cuộc bầu cử trước đây. Chúng ta vừa thực hiện quyền công dân, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.
Công dân ngoài việc thực hiện đeo khẩu trang, còn phải thực hiện giãn cách 2 mét theo đúng hướng dẫn công tác nghiệp vụ về bầu cử của Bộ Nội vụ đưa ra. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, số lượng cử tri đi bầu cử ở một thời điểm của một đơn vị bầu cử vắng hơn so với các cuộc bầu cử trước đây. Tuy nhiên thái độ và ý thức của cử tri rất nghiêm túc trong thực hiện các quy định của nơi bỏ phiếu.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến sự náo nức, phấn khởi của các cử tri tham gia thực hiện quyền bầu cử của mình. Họ luôn có một niềm tin vào các ứng cử viên mà họ đã lựa chọn. Cử tri ngoài việc tin tưởng đổi mới đất nước sau 30 năm, cũng thể hiện niềm tin vào kết quả Đại hội Đảng các cấp cũng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chính vì vậy, mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bỏ phiếu, vừa phòng chống dịch Covid-19 nhưng các cử tri thể hiện trách nhiệm, thái độ phấn khởi trong việc thực hiện quyền cử tri của mình khi đi bầu cử.
Phóng viên: Các khách mời có thể chia sẻ thêm về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với bài học kinh nghiệm đã được rút ra?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Tôi thấy cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của năm 1946 đến nay vẫn còn những bài học nguyên giá trị. Chúng ta đã qua 14 kỳ bầu cử Quốc hội, kỳ này là kỳ thứ 15, mỗi kỳ chúng ta lại bồi đắp thêm kinh nghiệm để chúng ta thực hiện tốt hơn xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Bài học của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 trước hết là niềm tin vào sức mạnh của nhân dân và dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Những bài học này rất rõ, trong bối cảnh năm 1946, chúng ta vừa giành được độc lập, Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thù trong giặc ngoài, trình độ dân trí của nước ta lúc đó còn hạn chế, trên 90% người dân chưa biết chữ, trong bối cảnh như vậy, rất nhiều ý kiến xoay quanh việc nên tổ chức cuộc Tổng tuyển cử như thế nào. Nhưng với một niềm tin vững chắc vào nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân, Bác Hồ và Đảng ta vẫn quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử. Chính nhờ niềm tin như vậy, sự hưởng ứng của người dân rất cao, trong bối cảnh khó khăn đó, với tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, tỉ lệ đi bầu cử của người dân rất cao. Đây cũng là bài học xuyên suốt trong quá trình lịch sử và trong kỳ bầu cử này.
Bài học thứ hai là nguyên tắc bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay vẫn còn nguyên giá trị như phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc này đã được đưa ra từ năm 1946. Cách thức, tổ chức thực hiện, các bước, quy trình giới thiệu người ứng cử được thực hiện dân chủ, thực chất, khắc phục được những việc hình thức. Những nội dung này từ cuộc Tổng tuyền cử đầu tiên năm 1946 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là làm sao giới thiệu được những người có tài có đức ra ứng cử để giúp nước.
Bài học thứ ba là thông tin tuyên truyền làm sao để người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc để có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Những bài học này đưa ra trong các kỳ bầu cử để làm sao chúng ta vận hành và phát huy nội dung này thì sẽ xây dựng được Quốc hội - những người đủ đức đủ tài để giúp dân, xây dựng đất nước.
Phóng viên: Vậy cần làm gì để lựa chọn được ứng cử viên tiêu biểu trong những người tiêu biểu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thưa ông?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Những ứng cử viên được giới thiệu đều là những người đạt được các tiêu chuẩn của đại biểu dân cử. Người có đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp rất nhiều, có thể lên tới hàng triệu nhưng số lượng đại biểu chỉ có giới hạn. Qua các bước hiệp thương đã lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn vào đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có đầy đủ đại diện của các cơ cấu, thành phần trong xã hội đều có đại diện của mình trong đó.
Qua các bước hiệp thương đã có số dư và lựa chọn những người tiêu biểu để đưa vào danh sách ứng cử. Hiện nay cử tri căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí, tín nhiệm, chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri thấy rằng đủ đức, đủ tài gửi gắm niềm tin thì cử tri sẽ bầu cho ứng cử viên đó. Như vậy, chỉ có khó khăn là lựa chọn trong số những người có đủ tiêu chuẩn, lựa chọn ứng viên nào tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Quốc hội cần có quá trình đổi mới liên tục, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ quan trong bộ máy Nhà nước là phải làm tròn vai của mình, trong đó Quốc hội thời gian qua liên tục đổi mới, yêu cầu trong giai đoạn mới cũng tiếp tục đổi mới.
Trong đó, Quốc hội chú trọng thể chế các chủ trương, đường lối, của Đảng thành chính sách, pháp luật. Ngoài ra, giám sát tối cao, giám sát chuyên đề của Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng cần được tăng cường, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đồng thời, đổi mới nội dung hoạt động của Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó đại biểu phải gần dân, sát dân, gắn bó với ý chí nguyện vọng của cử tri, đổi mới nội dung tiếp xúc cử tri để phản ánh tới Quốc hội.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh: Bên cạnh sáng suốt lựa chọn đại biểu tiêu biểu, đại diện cho cử tri thực hiện quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, cũng cần phải tính đến giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó cần có 2 yếu tố: Thứ nhất là đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Thứ hai là tăng cường công tác bồi dưỡng đối với đại biểu Quốc hội về kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức, giúp nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội. Trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội cũng khẳng định đại biểu Quốc hội là một trong những hạt nhân trung tâm, là một trong những nhân tố then chốt quyết định chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do vậy, công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong hai khâu giữ vai trò then chốt.
Phóng viên: Về thành tựu của Quốc hội khóa XIV, vai trò trong quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội ngày càng rõ nét. Bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ những thành công của Quốc hội khóa XIV?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Quốc hội khóa XIV ghi dấu lịch sử khi lần đầu tiên có Nghị quyết 88 phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này thể hiện những nhu cầu bức thiết của người dân được thể chế bằng chính sách, pháp luật. Nghị quyết này đã xác định rất rõ cơ chế, chính sách từ phân bổ nguồn lực đến các nội dung triển khai. Đây là bước tiến cũng là kinh nghiệm trong việc giải quyết những bức xúc những nhu cầu của người dân. Vấn đề quan trọng hiện nay là cách thức tổ chức thực hiện Nghị quyết này làm sao tạo sự chủ động cho địa phương, cơ sở. Trên cơ sở quy định của pháp luật, làm sao để hỗ trợ các địa phương với đặc điểm tình hình của mình có cách làm sáng tạo, tạo cơ hội vươn lên, giúp đồng bào khơi dậy tiềm năng, phát huy khả năng nội lực từng vùng, từng gia đình. Chính sách ưu việt nên làm sao tổ chức thực hiện được tốt.
Phóng viên: Mỗi nhiệm kỳ đi qua đều có bước tiến và để kế thừa, phát huy được thành quả của Quốc hội mà các khóa trước để lại thì công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu dân cử rất cần được quan tâm. Đây là nhiệm vụ đặt ra trong quá trình chuẩn bị, mà đầu mối trong công tác hiệp thương giới thiệu ứng cử chính là cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vậy công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu là thực hiện quyền đề cử và ứng cử theo quy định của pháp luật. Trên thực tế công tác này được thực hiện nhuần nhuyễn, đúng bước, đúng quy trình và thực sự dân chủ. Các cơ quan muốn giới thiệu người ứng cử phải tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và sau bước hiệp thương lần thứ hai thì tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú. Qua mỗi bước lựa chọn đều có sự sàng lọc, đưa ra khỏi danh sách những người chưa đủ tiêu chuẩn. Qua hiệp thương dân chủ lựa chọn được người tiêu biểu, xứng đáng.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo cơ cấu và chất lượng đại biểu đòi hỏi có sự chuẩn bị lâu dài, có sự phát triển bồi dưỡng đại biểu từ Hội đồng nhân dân các cấp?
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Đại biểu rất cần tính chuyên nghiệp. Chính vì thế, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì phải tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Đây là nội dung khi được đưa ra lấy ý kiến nhận được sự tán thành của các cơ quan. Bên cạnh đó, mỗi người đều được đào tạo chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau nhưng khi là đại biểu đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức tổng hợp. Do đó nếu có được quy hoạch, bồi dưỡng, rèn luyện là điều rất quan trọng để bảo đảm chất lượng đại biểu.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh: Đại biểu Quốc hội bao gồm nhiều thành phần, cơ cấu từ giáo sư, bác sỹ, giáo viên, người lao động, lực lượng vũ trang…do đó không phải đại biểu nào cũng biết hết các lĩnh vực. Để giúp đại biểu có thêm kiến thức đòi hỏi phải tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đại biểu Quốc hội và cập nhật thêm kiến thức cho đại biểu Quốc hội trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời!