TIẾP TỤC THỰC HIỆN LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

02/12/2020

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ cho biết đã và sẽ tiến hành xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số nội dung

Thừa Ủy quyền của Chính phủ báo cáo tới Quốc hội về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết,  nguyên tắc bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới tiếp tục được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Dân quân tự vệ.
Riêng Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 20 tháng 11 năm 2019 đã có những quy định mới, thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận đảm bảo quyền đối với mọi người lao động, cả nữ và nam. Ngoài Chương X về “Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới” thì Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nhiều nội dung mới theo hướng phù hợp hơn với các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm như: quy định giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm; chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, bảo vệ tốt hơn người lao động nữ trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ; nhiều nghề hoặc công việc trước đây cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ thì giờ đây đã mở cửa với nữ giới và cho họ quyền lựa chọn làm hoặc không làm.

Trong năm 2019, Chính phủ đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đề xuất hướng hoàn thiện để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã trở thành một quy trình bắt buộc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới đi vào cuộc sống. Việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới được triển khai trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, v.v... đã có những chuyển biến tích cực, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, cũng còn những bất cập xuất phát từ những quy định của pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện Luật.

Đưa ra một số giải pháp trọng tâm về xây dựng, ban hành và đẩy mạnh thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ cần thể chế hóa chủ trương, chính sách đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ theo các văn bản, chủ trương của Đảng; Ban hành các chiến lược, chương trình, đề án nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới; Nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phân tích, đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo thống nhất với quy trình xây dựng văn bản theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm bảo đảm thực hiện bình đẳng giới; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xóa bỏ phân biệt giới, tạo cơ hội bình đẳng cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới trong lao động, việc làm./.

Hồ Hương