Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo một số nội dung
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án quán triệt đến toàn thể đội ngũ công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về việc thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, tổ chức Hội nghị tập huấn bằng hình thức trực tuyến để các công chức Tòa án có chức danh tư pháp nắm chắc và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo việc bồi thường cho người bị thiệt hại được kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi thường nhà nước, các Tòa án đều khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, thụ lý giải quyết kịp thời các yêu cầu bồi thường và các vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật TNBTCNN, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, nhất là với các trường hợp oan sai xảy ra đã lâu. Từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các Tòa án cũng đã thụ lý 76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN (trong đó, 42 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, 15 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; 18 vụ yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự, 01 vụ yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính); đã giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật 60 vụ, còn lại 16 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013; Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các đơn kêu oan, hiện nay chỉ còn 01 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình đang được xem xét, giải quyết.
Nhìn chung, công tác giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN được Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc, kịp thời; công tác tổ chức công khai xin lỗi người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng tại Tòa án, việc thương lượng với người có yêu cầu bồi thường thiệt hại và việc chi trả tiền bồi thường cho đương sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật trên tinh thần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại. Việc xét xử các vụ án bồi thường thiệt hại thuộc lĩnh vực này đều được các Tòa án khẩn trương thụ lý và xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm như vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận,... được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ ra rằng, quá trình giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vấn đề xác định thiệt hại và mức bồi thường theo quy định còn nhiều bất cập. Trách nhiệm chứng minh thiệt hại của người yêu cầu trong nhiều trường hợp là rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc thu thập chứng cứ do có những thiệt hại xảy ra đã lâu không thể chứng minh được cụ thể thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật nói chung và Luật TNBTCNN năm 2017 còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhận thức và cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thương lượng để bồi thường thiệt hại, làm cho việc giải quyết yêu cầu bồi thường bị kéo dài. Sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn xác định thiệt hại trong một số trường hợp chưa tốt. Công tác định giá, giám định để xác minh thiệt hại còn chậm; việc lựa chọn tổ chức độc lập để định giá, thẩm định phải có sự thống nhất và đồng ý của các bên đương sự thì Tòa án mới trưng cầu giám định dẫn tới tình trạng việc giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại bị kéo dài.
Ngoài ra, một số trường hợp, việc giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cũng gặp nhiều khó khăn do người bị thiệt hại hiểu biết chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên trong quá trình giải quyết bồi thường, người bị thiệt hại không thực sự hợp tác với cơ quan có trách nhiệm bồi thường làm kéo dài thời gian giải quyết của các cơ quan chức năng.
Trên cơ sở chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự. Theo đó: Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về bồi thường trong hoạt động tố tụng… Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp như định giá, giám định, cung cấp chứng cứ… để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bồi thường nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật TNBTCNN năm 2017 tới cán bộ, công chức để nâng cao ý thức trách nhiệm trong khi thi hành công vụ; tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức được tiếp cận và hiểu rõ các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước, từ đó có ý thức trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quán triệt các đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án.
Ngoài ra, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cần yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm khẩn trương xem xét, thụ lý giải quyết kịp thời các yêu cầu bồi thường thiệt hại và các vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại khởi kiện tại Tòa án theo Luật TNBTCNN; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Kịp thời hướng dẫn các Tòa án về nghiệp vụ trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm./.