Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, một trong những lý do cần thiết cho việc sửa đổi, bổ sung Luật là để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và tình hình dịch tễ HIV/AIDS trong thời gian tới. Các kỹ thuật xét nghiệm HIV ngày càng được phát triển. Nhiều kỹ thuật thực hiện đơn giản hơn so với trước đây. Xét nghiệm sàng lọc HIV hiện nay có thể thực hiện tại cộng đồng mà không cần nhân viên y tế, hoặc tự xét nghiệm bằng giọt máu đầu ngón tay, bằng dịch miệng... Việc xét nghiệm khẳng định trường hợp HIV dương tính cũng đơn giản hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, cần điều chỉnh quy định của Luật để triển khai kỹ thuật xét nghiệm thuận lợi hơn.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này quy định theo hướng giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ (Điều 27 của Luật HIV 2006).
Đồng thời, quy định theo hướng phân tách cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm tương ứng với phạm vi và điều kiện thực hiện từ đơn giản (xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng) đến phức tạp (khẳng định trường hợp HIV dương tính) để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều kiện của cơ sở xét nghiệm HIV. Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. (Điều 29 của Luật HIV 2006).
Cần đồng bộ với các quy định về trẻ em
Thảo luận trực tuyến về nội dung xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện tại khoản 2, khoản 3 Điều 27, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị thay quy định người từ 15 tuổi trở xuống xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS thì phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ tham gia. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định tuổi từ 16 trở xuống, vì từ 16 tuổi trở xuống là tuổi trẻ em và tương tự như tất cả những luật khác quy định trẻ em phải có người giám hộ, người bảo lãnh, nên nội dung này đề nghị sửa đổi lại, thay vì quy định 15 tuổi thì phải quy định là từ 16 tuổi trở xuống nếu tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS thì phải có người giám hộ hoặc cha, mẹ có sự đồng ý bằng văn bản lúc đó mới được thực hiện.
Cùng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng nên giữ như Luật hiện hành quy định người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ 16 tuổi. Đại biểu nhấn mạnh Luật Trẻ em đã quy định người từ dưới 16 tuổi là trẻ em và hàng loạt các luật khác quy định liên quan đến trẻ em đều phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc là của người giám hộ. Trong lĩnh vực hình sự thì trẻ em phải có luật sư hoặc người trợ giúp pháp lý, v.v..
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Phan Thái Bình lý giải thêm, không phải tự nhiên Luật Trẻ em quy định độ tuổi này, vì có vấn đề về tâm lý, sinh lý, về độ trưởng thành. Nếu cho rằng quy định đủ 15 tuổi để mở rộng đối tượng xét nghiệm thì cũng không phải, bởi vì tất cả các đối tượng xét nghiệm còn lại dưới 15 tuổi nếu có sự đồng thuận của bố, mẹ và người giám hộ thì vẫn xét nghiệm bình thường và trong thực tiễn thời gian vừa qua không có vướng gì. Mặt khác, nếu cho rằng do trẻ em hiện nay trưởng thành sớm, quan hệ tình dục sớm cho nên phải hạ độ tuổi xuống 15 là không hợp lý, bởi thực tế có nhiều trường hợp quan hệ sớm hơn. Do đó, quy định như luật hiện hành là hợp lý, phù hợp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Điều chỉnh quy định đề phù hợp với thực trạng lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ lại cho rằng quy định về độ tuổi tối thiểu được quyền tự xét nghiệm HIV là phù hợp với thực trạng lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay. Trong dự thảo luật quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Theo đại biểu Lê Thị Yến, trẻ em ngày nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm do phát triển thể chất và tiếp cận thông tin trên mạng xã hội quá dễ dàng, các em không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục, cho nên việc xét nghiệm sớm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ đảm bảo được quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em và khắc phục được các tồn tại hiện nay trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm sinh lý, đây là độ tuổi đang phát triển về tâm sinh lý. Đặc biệt, đây là giai đoạn chưa phát triển toàn diện về nhận thức cũng như tâm sinh lý chưa ổn định. Điều này rất dễ dẫn đến những suy nghĩ cực đoan, tiêu cực ở trẻ em và có thể dẫn tới hệ lụy rất nguy hiểm khi biết bản thân nhiễm HIV.
Đại biểu Lê Thị Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Do đó, đại biểu Lê Thị Yến cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về độ tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV dưới góc độ các căn cứ khoa học. Đồng thời, khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính thì quy định thông báo cho gia đình như thế nào? Quy định việc tư vấn, hỗ trợ các em được điều trị sớm như thế nào?
Bên cạnh đó, trên thực tế còn một nhóm đối tượng là trẻ em lang thang, cơ nhỡ hiện nay khá nhiều và tập trung chủ yếu ở các thành phố, khu công nghiệp. Đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về bảo trợ, hỗ trợ đối tượng này trong việc phòng, chống HIV. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định hỗ trợ xét nghiệm HIV tự nguyện đối với đối tượng này. Có thể nghiên cứu vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cộng đồng đứng ra bảo lãnh cho các em lang thang, cơ nhỡ được thực hiện xét nghiệm HIV tự nguyện.
Đại biểu Đỗ Văn Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cũng cho rằng, các cháu bị lây nhiễm HIV có thể nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ là do quan hệ tình dục sớm. Việc xét nghiệm sớm và từ đó có thể phát hiện sớm lây nhiễm HIV tạo điều kiện cho việc điều trị và đảm bảo cho công tác phòng ngừa được tốt hơn. Do đó, đại biểu bày tỏ nhất trí với lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ khi xây dựng quy định này trong dự thảo luật. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị, nếu có thể thực hiện việc xét nghiệm sớm hơn như đối với trẻ em dưới 15 tuổi hoặc dưới 14 tuổi như một số nước đã làm thì có thể sẽ tốt hơn cho công tác phát hiện và điều trị. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn cơ sở của việc quy định người xét nghiệm tự nguyện phải từ 15 tuổi trở lên để hoàn thiện dự thảo luật.
Kết luận nội thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ về độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV quy định tại Điều 27 còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay, bảo đảm việc xét nghiệm sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, đồng thời tăng cường việc phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để đưa ra một phương án độ tuổi tối thiểu hợp lý của người tự nguyện xét nghiệm HIV và báo cáo trình Quốc hội./.