ĐỀ XUẤT KIỂM TOÁN CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

14/10/2020

Thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 49, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan Nhà nước và các đơn vị liên quan.

Thực hiện Phiên họp thứ 49, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Một trong những nội dung được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước

Trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nêu rõ: Kiểm toán Nhà nước đề nghị sửa lại Điều 75 quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn áp dụng hiện nay và nhiều nước trên thế giới. Quy định như Điều 75 của Dự thảo Luật hiện nay chỉ áp dụng đối với Kiểm toán độc lập.

Về vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Nội dung về kiểm toán môi trường trong Dự án Luật nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

Mặt khác, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, môi trường là tài sản công, được hiểu dưới dạng tài nguyên bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như đất đai, nước, khoáng sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị được giữ quy định về kiểm toán môi trường tại Luật này như thể hiện tại Điều 75 của Dự thảo Luật.


Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nêu quan điểm tại Phiên họp.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết: Cơ quan kiểm toán đã có 2 văn bản gửi cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những nội dung còn chưa thống nhất giữa luật và chức năng.

Thứ nhất, căn cứ về pháp lý thì trong dự thảo của Luật Tài nguyên môi trường có đề cập rằng, tại khoản 36 Điều 3 của dự thảo luật nói thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành từ môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác. Với nội dung này căn cứ vào khoản 11 Điều 3 của Luật Kiểm toán nhà nước xác định tài sản công gồm có: "đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi ở biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác". Như vậy, vấn đề này tương đối trùng với lập luận trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, khẳng định đầu tiên đây chính là tài sản công.

Điều thứ hai mà Kiểm toán dựa vào là nguồn lực bảo vệ môi trường là tài chính công. Theo Điều 151, Điều 152, 153, 154 dự thảo Luật quy định bảo vệ môi trường là từ ngân sách nhà nước. Như vậy đã là ngân sách nhà nước thì cơ quan Kiểm toán quản lý tài chính công phải có kiểm toán môi trường trong dự thảo Luật này.

Điều thứ ba mà cơ quan Kiểm toán căn cứ vào là tại Điều 14 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc sử dụng tài sản công. Vì vậy, theo Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành, trong Chương XIV của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đề nghị phải bổ sung về kiểm tra, thanh tra và kiểm toán với quản lý tài chính công và tài sản công.

Ngoài ra, trong nội dung về kiểm toán môi trường thì tại Điều 75 của dự thảo Luật đưa ra chỉ có nội dung đối với kiểm toán môi trường trong phạm vi chất thải mà không quy định đến phạm vi của nước thải, khí thải và các nội dung môi trường khác. Như vậy là nội dung này rất hạn hẹp mà trong đó vấn đề môi trường còn rất nhiều nội dung cần phải kiểm toán. Chính vì nội dung kiểm toán hạn hẹp chỉ ở chất thải cho nên mới chỉ sử dụng kiểm toán độc lập, tức là chỉ doanh nghiệp hoạt động kiểm toán, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước để kiểm toán nội dung tài chính công, tài sản công. Chính vì vậy, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có văn bản 990 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho điều chỉnh nội dung kiểm toán tại Chương XIV đối với nước thải, khí thải và các nội dung môi trường khác. Mặt khác, tại Điều 167, 168 đề nghị đưa chức năng của cơ quan kiểm toán trong quá trình quản lý theo đúng quy định của Luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ lập luận: Một số yếu tố của môi trường là tài sản công như đất đai do nhà nước quản lý, không khí, vùng trời, vùng biển mà đã là tài sản công thì phải có trách nhiệm kiểm toán. Còn môi trường là nguồn lực quốc gia, nhưng nguồn lực nào nhà nước quản lý, vai trò của kiểm toán, nếu thu hẹp lại như dự thảo Luật chỉ nói là kiểm toán chất thải thì không toàn diện. Cho nên, đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra Dự án Luật nghiên cứu, thảo luận lại việc kiểm không bao trùm hết nhưng cũng không bỏ sót. Chính việc này giúp cho ngành Tài nguyên và Môi trường, giúp cho Chính phủ quản lý tốt hơn việc bảo vệ môi trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nếu chỉ dùng kiểm toán độc lập là không đúng, vì kiểm toán độc lập sẽ không kiểm toán liên quan đến hoạt động tài sản công. Nếu chỉ là yếu tố nước thải, rác thải trong một dự án, trong một khu vực thì lại không đúng yêu cầu về kiểm soát môi trường. Đề nghị Ban soạn thảo nên tiếp thu, chỉ thêm một cụm từ là “tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước”, còn kiểm toán như thế nào thì theo kế hoạch hàng năm. Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội cho ý kiến, năm nay sẽ kiểm toán môi trường ở lĩnh vực nào để các đại biểu Quốc hội góp ý, hoặc vấn đề nào đang nổi lên về môi trường mà quá bức xúc thì đề nghị Quốc hội có thể giao cho Kiểm toán nhà nước phải kiểm toán. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với vai trò giám sát đề xuất là phải kiểm toán việc này. Nếu Ban soạn thảo không đưa vấn đề này vào trong dự thảo Luật thì sau này chỉ có thanh tra thôi, kiểm toán sẽ không làm được. Vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu về kiểm toán môi trường theo ý kiến cơ quan Kiểm toán Nhà nước và chắt lọc những nội dung kiểm toán cho phù hợp.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận Phiên họp.

Kết luận tại Phiên thảo luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý là để cơ quan Kiểm toán Nhà nước tham gia vào vấn đề kiểm toán môi trường, nhưng nội hàm cũng không thể như cơ quan kiểm toán nêu và cũng không thể như ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà hai cơ quan phải nghiên cứu một nội hàm cụ thể theo hướng là những vấn đề bảo vệ môi trường mà liên quan đến tài sản công và tài chính công thì cơ quan kiểm toán phải thực hiện. Ví dụ liên quan đến chi phí, có những khoản dự toán ngân sách liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường thì rõ ràng kiểm toán phải thực hiện. Tuy nhiên, cách viết trong dự thảo Luật như thế nào để tránh hiểu sai là kiểm toán làm tất cả, kể cả đánh giá tác động môi trường cũng thực hiện thì rất khó. Vì vậy, nội hàm phải quy định cụ thể, đề nghị cơ quan Kiểm toán cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu về vấn đề này sao cho thật sát sao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thoàn tiện dự án Luật trước khi trình lên Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới./.

Bích Lan