Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới và bầu Ban chấp hành Liên chi hội mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội.
Tại Đại hội, đồng chí Vũ Văn Huân- Chi hội Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp nêu rõ: Xã hội càng phát triển, thông tin báo chí ngày càng có vai trò quan trọng. Với nội dung thông tin có định hướng đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục, báo chí có khả năng hình thành dư luận xã hội, điều chỉnh hành vi xã hội. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, cần nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Đoàn Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội.
Nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của đội ngũ nhà báo là vấn đề thường xuyên được bàn luận trên các diễn đàn liên quan đến nghề báo. Sở dĩ có sự quan tâm đặc biệt này là do ảnh hưởng của báo chí đến xã hội rất lớn. Nếu nhà báo trong quá trình hoạt động không thực hiện đúng các thao tác nghiệp vụ, cộng với tâm lý muốn đưa tin nhanh nên đã nóng vội, sử dụng thông tin đồn thổi, thiếu sự kiểm chứng, thậm chí còn suy diễn chủ quan sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người lao động, tổn hại đến uy tín, lợi ích, danh dự của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế, trách nhiệm xã hội của nhà báo đối với xã hội rất cao. Để nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của đội ngũ nhà báo, trước hết cần phân tích những vấn đề đặt ra đối với hoạt động báo chí hiện nay.
Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động báo chí hiện nay
Hiện nay, nước ta có 850 cơ quan báo chí in, 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh -truyền hình, trong đó có 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương và 01 hãng thông tấn quốc gia, với 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, đã có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Báo chí đã thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân, góp phần ổn định chính trị tư tưởng, làm phong phú đời sống tinh thần, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, trên lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, các cơ quan báo chí đã dũng cảm, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Văn Huân, hoạt động báo chí hiện nay cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã tác động làm thay đổi cách thức thụ hưởng thông tin của người dân. Số lượng độc giả của báo chí in có xu hướng ngày càng giảm, trong khi đó lượng độc giả truy cập báo mạng ngày càng tăng. Xu hướng hội tụ thông tin cùng với những biến đổi về tâm lý xã hội đã làm thay đổi mô hình thông tin truyền thống, thay đổi sự phân bố số lượng độc giả - thính giả - khán giả theo hướng ngày càng ít người đọc báo in, nghe đài, xem truyền hình “nhà nước”, số người đọc, viết blog, giao lưu trên các mạng xã hội ngày càng tăng lên. Các cơ quan báo chí đang trong cuộc chạy đua trong việc giành thị phần. Điều này đặt ra yêu cầu và cũng là một sức ép rất lớn với các cơ quan báo chí. Một số yêu cầu quan trọng đối với hoạt động báo chí hiện nay là: tính mới, hấp dẫn, đúng và đủ.
- Tính mới: Bản chất của nghề báo là thông tin về cái mới nên những tin tức đưa chậm, không còn mới nữa (nói như nhà thơ Chế Lan Viên “không cứa vào lòng ai được”) thì người ta thường gọi bằng “tin thiu” (để đối trọng với tin kịp thời, “tin tươi”). Cho nên, nghề báo thường được gọi nôn na là nghề thông tin về cái gì mới đang xảy ra, đã xảy ra nhưng chưa được biết và sẽ xảy ra mà chưa đoán biết được. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi cái mới nhất đều có thể nhanh chóng trở thành cái cũ.
- Tính hấp dẫn: Mạnh dạn đi vào vấn đề gai góc, phản ánh đầy đủ thực tiễn đa dạng phong phú, không né tránh các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không bỏ qua các mặt trái và phải tạo ra diễn đàn mở cho các ý kiến khác nhau.
- Đúng (đúng sự thật, đúng lúc, đúng yêu cầu, đúng định hướng) và đủ. Con người sống trong xã hội luôn luôn cần thông tin, đó là nhu cầu thiết yếu của sự tồn tại và phát triển diễn ra thường xuyên liên tục. Nhưng không phải thông tin nào cũng cần đến mà người ta cần những thông tin có liên quan thiết thân với đời sống của họ. Đối với từng giới, từng nhóm người hay từng cộng đồng dân cư... có nhu cầu thông tin khác nhau. Vì vậy tin tức đưa lên báo, đài phải được chọn lọc trên cơ sở nhu cầu khác nhau đó. Mặt khác, đời sống xã hội diễn ra không phải lúc nào cũng giống nhau nên báo chí phải đi sát thực tế, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cơ quan chỉ đạo có định hướng thông tin, nhưng chỉ là định hướng chung, báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chủ động trên cơ sở thấu hiểu đời sống xã hội. Khi thông tin đủ, đúng sự thật, đúng lúc, đúng yêu cầu sẽ tạo được sức hấp dẫn với người nhận thông tin. Mức độ hấp dẫn của báo chí chính là mức độ hài lòng, thỏa mãn của số đông người đọc, người xem đối với nội dung được phản ánh trên báo chí. Để thực hiện được những yêu cầu này là bài toán rất hóc búa đối với các nhà báo. Bởi trên thực tế để có tính mới, nhanh nhạy, kịp thời đôi khi các nhà báo rất dễ vấp phải việc đưa tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật.
Thứ hai, báo chí ngày càng thỏa mãn nhiều hơn nhu cầu thông tin của công chúng. Nhưng sự tràn ngập thông tin cũng dễ gây nhiễu. Mặt khác, sự đòi hỏi về tính nhanh nhạy, khẩn trương của nhà báo cũng cao hơn nên “sự cố nghề nghiệp” cũng nhiều hơn. Điều này dẫn đến hệ quả là nhà báo vi phạm những chuẩn mực về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp một cách vô tình. Mặt khác, sự mở rộng tự do thông tin cũng kéo theo sự sự mở rộng việc lạm dụng báo chí cho những ý đồ xấu. Nhiều ‘sự cố báo chí’ đã làm cho công chúng bất bình mà nguyên nhân không phải sự cố ý của nhà báo mà do năng lực, nghiệp vụ.
Đồng chí Vũ Văn Huân- Chi hội Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.
Thứ ba, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, Luật Báo chí hiện hành không có một khoản, một điều nào quy định rõ về giới hạn của quyền tự do báo chí mà chỉ liệt kê một loạt những điều không được thông tin trên báo chí (Điều 9) đã hạn chế rất nhiều đến hoạt động của nhà báo. Ví dụ, Luật Báo chí quy định chung chung báo chí không được đưa tin sai sự thật. Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên xử phạt hành chính nhà báo đưa tin sai sự thật. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là việc đưa tin không đúng sự thật có nhiều nguyên nhân với những hậu quả khác nhau. Thứ nhất, với những thông tin sai sự thật xâm hại lợi ích công dân, công dân có thể kiện ra tòa án, nhất là trong trường hợp thông tin vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm. Cơ quan báo chí, nhà báo phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại. Đây là chuyện bình thường trong một nhà nước pháp quyền. Thứ hai, cần hết sức thận trọng khi xử lý hình sự việc báo chí đưa tin sai sự thật. Bởi cái được chưa chắc đã lớn hơn cái mất khi những vụ việc này được đưa ra công luận, nhất là công luận quốc tế. Trong trường hợp phải xử lý hình sự, cơ quan tố tụng cần phải chứng minh được rõ ràng thiệt hại vật chất và tinh thần do bài viết gây ra. Chỉ nên xử lý hình sự hành vi cố tình đưa tin sai sự thật nhằm các mục đích trục lợi, xuyên tạc sự thật. Còn việc đưa tin sai sự thật không cố ý phải được coi là rủi ro nghề nghiệp và biện pháp khắc phục mang tính phòng ngừa, răn đe, giáo dục là chính, thông qua cơ chế tố tụng dân sự, kỷ luật hành chính.
Thứ tư, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đòi hỏi quản lý báo chí phải có phương pháp tiếp cận mới. Trên bình diện quốc tế, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức truyền tải và tiếp nhận thông tin trên toàn cầu. Toàn cầu hóa thông tin đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin. Thông tin ở khắp mọi nơi trên thế giới được truyền tải liên tục, nhiều chiều và dễ dàng tới công chúng thông qua Internet, với những dạng thức truyền thông mới, trong đó mạng xã hội đang chiếm ưu thế. Do vậy, quản lý báo chí trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển; gia tăng cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, làm rõ cơ chế mở rộng tiếp cận thông tin và phát huy dân chủ trong thông tin.
Yêu cầu đối với bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của đội ngũ nhà báo
Đồng chí Vũ Văn Huân cho rằng: Nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng. Các cơ quan báo chí đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí nước ta là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Suy rộng ra, nhà báo Việt Nam đồng thời là nhà chính trị, người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng-văn hoá của Đảng. Chính vì thế, nếu không bản lĩnh chính trị vững vàng, nhà báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như làm tốt các chức năng chính của báo chí là chức năng thông tin, tuyên truyền, giải trí, phản biện và định hướng dư luận xã hội.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo toàn quốc “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo” ngày 27/11/1998, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói: “Người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; biểu dương những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tốt, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Muốn đảm đương được trọng trách đó, trước hết nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có tư duy sắc bén, có vốn sống và phương pháp khoa học, đó là những phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính. Là nhà báo chân chính, phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Đó là sức mạnh của báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí”.
Đồng chí Vũ Văn Huân cho rằng: Bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của nhà báo luôn đi liền với nhau. Thực tiễn nghề báo cho chúng ta thấy, khi nhà báo tự tin, chủ động tìm kiếm thông tin bằng nghiệp vụ của mình với tinh thần khách quan, không thiên vị, không định kiến với sự kiện hay hiện tượng là lúc thông tin báo chí có lúc thuyết phục rất lớn. Đó là khi nhà báo thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tôn trọng giá trị đạo đức nghề nghiệp. Đối với một số nhà báo do lười biếng hay do yếu kém về nghiệp vụ, mặc dù lương tâm trong sáng nhưng vẫn vấp phải những sai lầm. Đó là lúc nhà báo thu thập nguồn tin chỉ từ một phía. Hay quan điểm số đông bao giờ cũng đúng đôi khi rất nguy hiểm. Vì thấy nhiều người ủng hộ một quan điểm, nhà báo tin rằng quan điểm số đông là đúng, số ít là sai nên đã lựa chọn việc đưa tin là đứng về phía số đông để không bị cô lập. Khi nhà báo sợ bị cô lập, sợ ý kiến của mình bị chìm đi trong vô vàn ý kiến trái ngược, nhà báo đó sẽ im lặng làm ngơ trước hiện tượng đang bị phê phán hay đang được ca ngợi mà nếu có đủ lòng dũng cảm, nhà báo đó sẽ phát biểu theo chiều hướng ngược lại với số đông. Vì vậy, muốn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trước hết nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm báo, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực chuyên môn. Năng lực chuyên môn của nhà báo quyết định đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, đúng định hướng chính trị. Độ nhạy bén của nghề nghiệp, nói chính xác hơn là độ nhạy bén chính trị của nhà báo, đòi hỏi nhà báo phải "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp, có hiệu quả. Việc đấu tranh chống tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội là cần thiết; nhưng đấu tranh, phê phán như thế nào để đạt hiệu quả cao, mà vẫn giữ vững ổn định chính trị- xã hội, không làm lộ bí mật quốc gia, không gây hoang mang trong dư luận, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi nhà báo cần nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề, xử lý thông tin chuẩn xác bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng và trình độ chuyên môn giỏi.
Thế giới ngày nay tràn ngập thông tin. Phương tiện truyền thông nhiều hơn, nhanh hơn, lợi hại hơn. Nhưng không phải cứ đuổi bắt thông tin là được. Thông tin càng nhiều, càng cần chọn lựa, cô đặc, xử lý nhanh, khéo. Không gian nhỏ lại, thời gian ngắn đi. Và, nhà báo trong thời đại mới phải đuổi kịp, làm chủ thực trạng thông tin ấy, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ của mình, mang thông tin đến cho cuộc sống và nhận lại từ cuộc sống sự tin cậy của mọi người./.