ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

17/09/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Là một đại biểu của cử tri ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khẳng định: Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đồng bào nhân dân cả nước luôn dành những tình cảm tốt đẹp với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành cũng như là nguồn lực của đồng bào miền xuôi đã đến với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của  người dân nơi đây ngày càng có nhiều đổi thay.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển và là mơ ước của hàng vạn hộ gia đình nghèo, cả người dân tộc thiểu số và người Kinh sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang rất khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Sau khi được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ triển khai thực hiện, đồng bào có cơ hội giải quyết được những khó khăn mà có những vấn đề tưởng chừng như không có lối mở.


Đại biểu Vương Ngọc Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Vương Ngọc Hà đồng tình về cơ bản với những dự án đã trình ra với Quốc hội và đặc biệt tâm đắc với dự án thứ 9, đó là đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn khó khăn. Ở dự án này,  đại biểu Vương Ngọc Hà có 3 đề nghị.:

Thứ nhất, mong muốn Chính phủ nghiên cứu để xây dựng tiêu chí thế nào là nhóm dân tộc còn khó khăn hay đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là cơ sở triển khai chính sách một cách hiệu quả. Nhân đây, kính mong được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và đề nghị đưa dân tộc Mông được xếp vào dân tộc khó khăn. Lý do đưa ra đề nghị như vậy là bởi vì đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại các vùng núi cao, những nơi điều kiện về tự nhiên, địa hình vô cùng khắc nghiệt, ít đất sản xuất, vùng núi đất dễ sạt lở, vùng núi đá thì vô cùng khô, khát, nhất là vào mùa khô. Thậm chí, người dân phải gùi từng gánh đất đổ vào hốc đá để canh tác. Nhọc nhằn là như vậy nhưng sự kiên cường và tình yêu đất nước của người đồng bào dân tộc Mông đã góp phần giữ vững dọc dải biên cương của Tổ quốc. Tuy nhiên, nơi đây cũng là vùng đất nghèo của cả nước, cùng với đó là những nguy cơ bị mai một về tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng như bản sắc văn hóa, nhất là chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào Mông cũng chưa cao. Tỉnh Hà Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhất cả nước và cũng có trên 30% dân số toàn tỉnh là người đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, nếu như được thoát nghèo và đặc biệt là được phát triển thì đồng bào dân tộc Mông sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng cũng như tạo điều kiện để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc nên rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm.

Thứ hai, đối với nhóm dân tộc rất ít người, đại biểu Vương Ngọc Hà rất mong muốn cần xác định mức đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế ở mức cao nhất và đưa toàn bộ và dự án này không để rải rác ở các dự án khác. Đại biểu Vương Ngọc Hà rất mong muốn giao quyền cho các địa phương quyết định vì chỉ có các địa phương mới thực sự hiểu được tạo sinh kế cho đồng bào thế nào là phù hợp và cũng không cần thiết phải xây dựng các mô hình cụ thể. Nếu không giao quyền cho các địa phương thì sẽ dẫn đến tình trạng phù hợp với địa phương này, không phù hợp với địa phương khác, phù hợp với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác, bởi vì phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là hình thức canh tác của đồng bào. Mặc dù còn khó khăn về nguồn vốn nhưng đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị giải quyết dứt điểm 100% tình trạng hộ gia đình thuộc nhóm đồng bào rất ít người đang thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và cải tạo đất sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ giống cây, con trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, cần xây dựng bằng được đội ngũ người có uy tín, trước hết ở nhóm người dân tộc rất ít người này và bồi dưỡng kiến thức, tập huấn và bố trí cho họ đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Bởi vì chính họ cùng với những cán bộ cơ sở sẽ là những người vận động và thuyết phục bà con và đồng bào dân tộc thiểu số luôn có tính liên kết cộng đồng cao và khi mà người dân đã tin tưởng vào cán bộ cơ sở cũng như người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc gì khó mấy cũng làm được. 

Đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, để giải bài toán an sinh xã hội bền vững, cần có sự hỗ trợ để đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và rất mong Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ của nhà nước cao hơn như mức 30% hiện nay để người dân có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội, bao phủ toàn dân, vừa là điều kiện để cho người dân được tham gia bảo hiểm xã hội trọn đời và đặc biệt là khắc phục được tính bao cấp trong chính sách./.

Bích Lan

Các bài viết khác