Toàn cảnh Phiên họp
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 46 (tháng 7-2020), dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp đã được gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước. Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp như sau:
Về dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, theo đề nghị của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp xin được điều chỉnh như sau: Tại Kỳ họp sẽ bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (để thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau cùng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025).
Gửi đại biểu tự nghiên cứu Báo cáo về hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; Báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; Các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo
Đồng thời, tại Kỳ họp này sẽ rút Báo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2020 (gửi đại biểu tự nghiên cứu) do nội dung này đã được Chính phủ đề cập trong Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 và một số báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp được bố trí thành 2 đợt. Đợt 1, thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; 02 dự án luật trình cho ý kiến và các báo cáo về công tác tư pháp. Nghe trình bày các tờ trình, báo cáo (trong đó có việc xem 02 videoclip báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực). Đợt 2, xem xét, quyết định các nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII và 4 dự án luật trình cho ý kiến. Nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19,5 ngày (đợt 1: 8 ngày và đợt 2: 11,5 ngày). Đợt 1 bắt đầu ngày 20/10 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc ngày 28-10; đợt 2 bắt đầu từ ngày 3/11 đến bế mạc kỳ họp, ngày 17/11 (để tạo điều kiện cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cố gắng không bố trí Quốc hội họp ngày 18/11).
Về tình hình chuẩn bị, theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đối với việc chuẩn bị nội dung ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 9, các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực, khẩn trương, chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 10, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Đến nay, đã có 5/6 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Sau khi kết thúc phiên họp tháng 9, phần lớn các nội dung trình Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để có căn cứ chỉnh lý, hoàn thiện, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo thời hạn quy định.
Về các công tác bảo đảm khác, trong thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tích cực chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh và các công tác bảo đảm khác... nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Trong đó, đã hoàn thiện các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội, tính năng đăng ký phát biểu, tranh luận; nâng cấp chất lượng hệ thống mạng không dây wifi tại Hội trường Diên Hồng bảo đảm tốc độ đường truyền cao.
Về một số vấn đề khác, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ quan gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn theo quy định. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cân nhắc kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm để đề xuất thời gian và cách thức xem xét đối với từng nội dung cho phù hợp. Để tiết kiệm thời gian kỳ họp, đề nghị tiếp tục giảm thời lượng trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra của các dự án luật, dự thảo nghị quyết từ 15 phút xuống 10 phút do đã có khoảng thời gian giữa hai đợt họp để đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung kỳ họp (trong khoảng thời gian này vẫn nên thực hiện các chế độ của kỳ họp). Tại phiên họp toàn thể, nếu có trên 20 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu/01 buổi thảo luận thì đề nghị cho thực hiện việc giảm thời gian phát biểu lần đầu từ 7 phút xuống 5 phút (vấn đề này sẽ được gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội).
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thực hiện việc đăng ký phát biểu, tranh luận qua iPad trong cả 2 đợt của kỳ họp. Đề nghị tổ chức viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi khai mạc kỳ họp như thông lệ và có sự tham gia của các vị đại biểu dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội (đã đại diện cho 63 Đoàn đại biểu Quốc hội). Sẽ tiếp tục tổ chức viếng Lăng tại đợt họp tập trung nếu có đại biểu Quốc hội ở địa phương đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến
Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV mà Tổng Thư ký hội trình ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đợt này chúng ta vẫn tiếp tục tổ chức Kỳ họp Quốc hội bằng 2 đợt, với tinh thần vừa triển khai công việc nhưng vẫn phải quan tâm đến vấn đề phòng, chống dịch bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá dự kiến chương trình kỳ họp lần này rất khoa học. Đi vào cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng việc trình chiếu video, clip về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là rất cần thiết. Ủy ban sẽ chuẩn bị kỹ video này cùng với báo cáo bằng văn bản.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh những vấn đề chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10; đánh giá cao việc Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực, chuẩn bị các văn bản rất công phu, khoa học và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh tổ chức phiên họp lần này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí Kỳ họp này sẽ kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Theo đó Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ tiến hành khai mạc vào ngày 20/10, với thời gian dự tính khoảng 18,5 ngày, có dự phòng 1 ngày./.