THẨM TRA SƠ BỘ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP VÀ VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT

07/09/2020

Sáng ngày 07/9, dưới sự điều hành của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra sợ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 718/UBTVQH ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 67/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc họp

Tham dự phiên họp có Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Theo báo cáo của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được các cơ quan quan tâm thực hiện, với nhiều giải pháp bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng. Tính đến tháng 8.2020, còn 20 dự án luật, pháp lệnh thuộc Danh mục ban hành kèm theo Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp chưa được ban hành. Trong đó, có một số dự án luật được các cơ quan đề xuất chưa xây dựng, chưa đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do không rõ phạm vi điều chỉnh. Một số dự án luật, pháp lệnh đã được đưa vào phải rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do có vấn đề mới, phức tạp hoặc trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu giải trình các ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2020 đến nay, tuy chịu tác động của đại dịch Covid - 19, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tập trung triển khai, trong đó chú trọng phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, người dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch dưới nhiều hình thức (thực hiện phổ biến qua fanpage, zalo, tin nhắn, lời nhắn điện thoại…). Đồng thời, theo báo cáo của Chính phủ, qua kết quả rà soát, có thể thấy, hiện nay hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương đều được đào tạo chính quy, bài bản (gần 99% số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này có trình độ từ đại học trở lên), có kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm trong công việc.   

Đối với công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, theo báo cáo của Chính phủ, so với thời điểm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, số lượng văn bản nợ ban hành có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nếu xem xét trong cả nhiệm kỳ khóa XIV thì số lượng văn bản nợ qua các năm có xu hướng tăng dần, cụ thể nếu so với năm 2017 thì trong năm 2020 tăng 21 văn bản, tăng 20 văn bản so với năm 2018 và tăng 15 văn bản so với cùng kỳ năm 2019. Số văn bản nợ ban hành hiện nay đa số là các văn bản có nội dung khó, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp hoặc mới phát sinh nợ.

Trình bày kết quả nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản toàn diện tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, kết quả công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác này.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020 đều có một số nội dung được nêu lại nhiều lần mà không được giải trình, qua đó tạo cơ sở đánh giá, tìm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, số lượng văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành còn lớn, hiện còn 32 văn bản nợ chưa ban hành, chiếm đến 31% số văn bản cần quy định chi tiết, trong đó, có 6/32 văn bản quy định chi tiết các luật quan trọng chậm ban hành hơn một năm; vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết được Thường trực Ủy ban Pháp luật phát hiện có dấu hiệu trái luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần báo cáo, phân tích, đánh giá rõ hơn về tình trạng này.

Các đại biểu tham dự phiên họp ghi nhận quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, đề nghị, Chính phủ có kiến nghị cụ thể đối với các dự án luật chưa được ban hành thuộc trách nhiệm chủ trì của mình theo danh mục ban hành kèm Nghị quyết 718, qua đó, nếu có trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, cần triển khai chỉ đạo tổ chức tổng kết việc bố trí kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tạo cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, bảo đảm đủ nguồn lực tài chính cho công tác này. Về nội dung, bố cục báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ các điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 67 của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2020; rà soát tình hình thực hiện để đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế tương xứng với thực tế, phúc đáp đòi hỏi hiện nay.

Các đại biểu cho ý kiến với Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Liên quan đến tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, các ý kiến đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân “vẫn có trường hợp nội dung giao quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp; nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết” được nêu ra trong Báo cáo của Chính phủ. Một số ý kiến nhấn mạnh, không chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo thực hiện công tác này, các bộ, ngành cũng quan tâm xây dựng văn bản quy định chi tiết, nên cần đánh giá công tác thực hiện quy trình, thủ tục hành chính liên quan, kịp thời tháo gỡ những nút thắt làm chậm tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản này.

Cùng ngày, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác