PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ DỰ PHIÊN HỌP MỞ RỘNG CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

07/09/2020

Sáng ngày 07/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã dự Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có: đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cần lực lượng bảo vệ trật tự, an toàn để hỗ trợ Công an

Tờ trình về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày, nêu rõ cần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ và chính sách đối với lực lượng này để gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước và tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã; tham gia xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày Báo cáo

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật điều chỉnh thống nhất về quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm phù hợp trình độ, năng lực và tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ” với 7 nhiệm vụ tại Chương II của dự thảo Luật, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền cơ sở.

Phải rõ quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, cơ bản thống nhất với quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng như thể hiện trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần xác định lực lượng này chỉ giữ vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mục đích để khẳng định ngoài lực lượng này còn có vai trò của các tổ chức tự quản và quần chúng nhân dân; làm cơ sở để phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sự tham gia của các tổ chức quần chúng và Nhân dân trong việc bảo vệ an ninh trật tự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức báo cáo thẩm tra sơ bộ

Cũng trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, có ý kiến cho rằng là lực lượng tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì phải gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn. Thực tế, thời điểm này Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy như khoản 2 Điều 17 của Luật Công an nhân dân. Điều này dẫn tới nhiệm vụ, quyền hạn của dự thảo Luật có điểm thiếu thống nhất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, Chính phủ cần khẩn trương ban hành Nghị định về xây dựng Công an xã chính quy đồng thời với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tạo sự thống nhất.

Các đại biểu cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vị trí, chức năng là tổ chức quần chúng tự nguyện nhưng người lãnh đạo, chỉ huy, và thực hiện 7 nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì không rõ. Việc giao cho UBND điều hành cũng không rõ do người quản lý trong khi nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần thiết ban hành Luật và không nên hiểu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là "công an hóa". Vì, lực lượng này ở cơ sở là cần thiết nhưng để giao cho các bộ phận tạo thành "dàn hợp xướng" và có sự điều hành thì cần có chính quyền địa phương, đồng thời có cơ quan tham mưu tổ chức lực lượng chính là Công an. Trách nhiệm của Bộ Công an rất cao để bảo đảm công tác an ninh trật tự ở cơ sở. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do lực lượng là quần chúng, tự nguyện tham gia phối hợp nên Luật cần bám sát phạm vi, mục đích, yêu cầu đặt ra chứ không nên tạo thành một lực lượng mới làm thay hay đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của Công an.

Với mong muốn Quốc hội sớm xem xét ban hành dự thảo Luật trong nhiệm kỳ này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh ngay sau phiên họp hôm nay sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu, tiếp thu đầy đủ, giải trình hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 48 tới và trình Quốc hội xem xét./. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)