PHIÊN HỌP GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ KẾT QUẢ 6 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020

17/08/2020

Sáng ngày 17/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức chương trình phiên họp giám sát chuyên đề kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ủy ban Dân tộc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền Thông; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị hữu quan.

Tại Phiên họp, đại diện Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền Thông đã báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành cho biết những kết quả đạt được trong các giai đoạn của lĩnh vực giảm nghèo nói chung và giảm nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc. Qua đó, đã tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trên địa bàn các xã , thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTSMN , Đến nay gần 100 % các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99 % trung tâm xã và 80 % thôn có điện; 65 % xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống: 88 % thôn có đường cho xe cơ giới và 42 % thôn có đường giao thông đạt chuẩn , trên 50 % xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng giai đoạn. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ bản đã xoá bỏ các trường tạm, lớp tạm, tạo điều kiện huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn đến trường, góp phần tích cực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành đã đề xuất một số giải pháp để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bảo dân tộc thiểu số trong bối cảnh quỹ đất hạn chế những nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng do việc gia tăng dân số, việc thu hồi đất để triển khai các dự án đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng của việc di dân, di cư tự do. Trong đó cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyển tiếp cận đất đai của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, đất phòng hộ và đất sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp; Bổ sung quy định về điều kiện của đối tượng nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất nông nghiệp từ đồng bào dân tộc được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; bổ sung quy định đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nếu đủ điều kiện chuyển nhượng, tặng cho thị chỉ được chuyển nhượng, tặng cho đối với đồng bào bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số nội dung

Đồng thời, các Bộ, ngành cũng cho rằng cần tăng cường kết hợp, lồng ghép công tác truyền thông thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đặc thù của hoạt động thông tin, tuyên truyền là có thể lồng ghép, sử dụng chung hạ tầng, khai thác, kế thừa nội dung thông tin phù hợp với mục tiêu tuyên truyền. Để tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước, trong công tác tổ chức truyền thông, đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương có giải pháp phân công, chỉ đạo công tác kết hợp, lồng ghép trong hoạt động tổ chức truyền thông của các Chương trình; giữa cơ quan Trung ương và địa phương; đồng thời cần quan tâm đến lựa chọn chủ đề nội dung, hình thức, thời lượng, thời điểm phát sóng, phát hành tác phẩm đến đối tượng thụ hưởng ... để đảm bảo tính thiết thực , hiệu quả.

Cho ý kiến tại phiên họp, một số ý kiến Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ ra rằng, qua các báo cáo có thể thấy, những văn bản liên quan đến ban hành chính sách xử lý rất muộn, nguồn lực tài chính thì lại không được bố trí. Đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành nói rõ hơn về vấn đề cải thiện sinh kế, đánh giá rõ và đúng về thực trạng của một số bật cập để đưa ra những giải pháp sát với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả.

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi phát biểu

Liên quan đến những bất cập về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Thường trực Ủy ban và các đại biểu chỉ ra rằng số hộ thiếu đất còn rất lớn, đất sạch giao cho các hộ này đạt tỷ lệ thấp. Do đó đề nghị các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và đáp ứng đúng mực tiêu nhiệm vụ được giao liên quan đến nội dung này.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, số liệu của báo cáo chưa thực sự đầy đủ, chưa phản ánh rõ được sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Mặt khác, vấn đề tổ chức thực hiện và xác định trách nhiệm của Bộ ngành, những địa phương trong công tác phối hợp cần được làm rõ. Đánh giá chi tiết những vướng mắc mà Bộ này hay Bộ kia gặp phải, bổ sung thêm thông tin để các ý kiến đánh giá được toàn diện.

Đối với vấn đề mai táng thi thể, một số ý kiến cho rằng, đất đã dùng để mai táng thì dùng mãi luôn, không chuyển đổi mục đích sử dụng được; đặc biệt mai táng ở vùng cao, trong vườn, gần nguồn nước vẫn còn diễn ra khá phổ biến; vấn đề xử lý nguồn nước ở các nghĩa trang trên núi cao…Các ý kiến đề nghị cần làm rõ, cơ quan nào, Bộ ngành nào xử lý vấn đề này. Nên chăng cần có quyết định mạnh mẽ về mai táng thi thể ở gần nguồn nước để đảm bảo về công tác bảo vệ môi trường.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện báo cáo để tiến hành tổng hợp. Đồng thời, các Bộ, ngành cần làm rõ các mục tiêu nhiệm vụ theo sự phân công trong Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ; tổng hợp các mục tiêu liên quan đến nhiều bộ ngành kèm theo có đề xuất kiến nghị; cần có chương trình kế hoạch để phối kết hợp giữa các đơn vị; tiếp tục suy nghĩ để bổ sung hoàn thiện chính sách và đưa ra các giải pháp có hiệu quả./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác