Chiều 07/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND tỉnh Ninh Bình
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đạt mức cao
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.125 cơ sở tín ngưỡng, 2 tổ chức tôn giáo là Công giáo và Phật giáo. Nhìn chung, công tác quán triệt, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hiệu giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo của các cấp chính quyền. Nhiều nội dung công việc trước đây thuộc cơ quan có thẩm quyền chung được chuyển sang cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tôn giáo; giảm khâu trung gian trong quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan nhà nước. Qua đó, các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; yên tâm, phấn khởi trong việc sống đạo và giữ đạo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo, động viên tín đồ chấp hành các quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát đặt ra
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, số lượng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhiều, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phong phú. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 641/671 cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 252,7/268,3ha, đạt tỷ lệ 95,5% về số cơ sở tôn giáo và 94,2% về diện tích đất đang sử dụng. Đồng thời, Ninh Bình cũng là địa phương có nhiều địa điểm, công trình tôn giáo lớn gắn liền với quá trình du nhập, phát triển của chính bản thân các tổ chức tôn giáo và cùng với dấu tích lịch sử của cố đô Hoa Lư - nơi phát tích của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý. Do đó, Ninh Bình không chỉ là nơi có nhiều danh thắng nổi tiếng mà còn có nhiều di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Đến nay, hầu hết các tour du lịch ở tỉnh Ninh Bình đều có sự tham gia, đóng góp của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những cơ sở đã được xếp hạng di tích, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo lớn như: Khu Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Non Nước, đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Thái Vi, đền thờ Trương Hán Siêu, đền thờ Nguyễn Công Trứ... Đặc biệt phải kể đến Quần thể Danh thắng Tràng An, trong đó tiêu biểu là chùa Bái Đính đang là điểm thu hút đông du khách đến tham quan, chiêm bái (Khu vực Quần thể Danh thắng Tràng An hiện có 40 di tích tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Nhất quán trong cấp phép, tính tiền thuê đất dự án du lịch gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm và chủ động trong thực hiện công tác tôn giáo của Ninh Bình; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đạt mức cao so với mức bình quân cả nước. Việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, tạo ra những công trình tôn giáo quy mô lớn, góp phần phát huy giá trị di tích; gìn giữ, kế thừa, giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; tổ chức các sự kiện tôn giáo mang tầm quốc gia và quốc tế; tạo việc làm, nguồn thu lớn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, xuất hiện hiện tượng thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Một số công trình tín ngưỡng, tôn giáo chưa phân định rạch ròi giữa đất tôn giáo và đất thương mại, dịch vụ.
Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thương mại hóa các hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.
Tỉnh cũng cần tổ chức thực hiện và hướng dẫn các cơ sở tôn giáo rà soát, xác định rõ ranh giới sử dụng đất, các loại đất, phân biệt giữa đất tín ngưỡng, tôn giáo và đất thương mại, dịch vụ; nhất quán trong quản lý, cấp phép, tính tiền thuê đất, tính thuế đối với các dự án du lịch gắn với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong quản lý phát triển du lịch giữa chủ thể quản lý cơ sở tôn giáo và các khu vực khai thác dịch vụ xung quanh cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo./.