Gần 5 năm trước, chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của Quảng Nam trị giá hơn 12 tỷ đồng, vay vốn theo nghị định 67 đã được bàn giao cho ông Phan Thu – 1 ngư dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Thời điểm đó, đấy là niềm mơ ước của nhiều ngư dân ở miền Trung. Nhưng hơn 2 năm qua, tàu ông Thu đã phải nằm bờ, hoen rỉ, bởi hễ cứ ra khơi là lỗ. Nợ gốc lẫn tiền lãi ngân hàng cả chục tỷ đồng vẫn cứ treo lơ lửng không cách nào trả nổi. Ông Thu tâm sự: Từ 2017 đến nay tàu không hoạt động được, do đó không có cách nào để trả nợ cho ngân hàng nên xảy ra nợ xấu. Giờ chỉ muốn các cấp chính quyền thanh lý giúp ông con tàu để thu hồi vốn vì không có cách nào để làm được nữa
Cũng như ông Thu, Ông Trần Công Chi – chủ tàu QNA 94989 TS cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tàu ông hành nghề lưới rê, nhưng càng làm càng lỗ. Năm 2018, ông Chi vay mượn 4 tỷ đồng để cải hoán con tàu này sang nghề chụp mực khơi. Sản lượng đánh bắt quá thấp, chi phí lại cao, 15 lao động trên tàu nghỉ việc, ông Chi đành neo tàu nằm bờ. Bây giờ, muốn bán con tàu cá vỏ thép này này để trả số nợ hơn chục tỷ đồng của ngân hàng nhưng không ai dám mua.
Tàu vỏ thép của các ngư dân nằm bờ
Từ khi có Nghị định 67 đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ký kết và giải ngân cho ngư dân vay đóng mới 63 tàu cá, trong đó có 37 tàu vỏ thép và nâng cấp 2 tàu với tổng số tiền khoảng 770 tỷ đồng. Hiện nay nợ xấu đã chiếm 1/3 tổng vốn vay, tương đương 200 tỷ đồng. Số nợ xấu này rơi vào các chủ tàu vỏ thép. Con tàu vỏ thép từng là niềm mơ ước của nhiều ngư dân giờ thành đống nợ. Mỗi ngày nằm bờ, tàu xuống cấp nhưng nợ ngân hàng tăng lên. Còn với các ngân hàng thương mại từng hưởng ứng đồng hành cùng ngư dân theo Nghị định 67, giờ thì lao đao không biết xoay sở như thế nào với số nợ xấu khổng lồ.
Bà Vũ Thị Tố Nga – Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết: “BIDV đã triển khai cho vay 16 tàu theo nghị định 67, trong đó có 11 tàu sắt và 5 tàu gỗ. Đến hiện nay toàn bộ các khoản cho vay theo nghị định 67 đã chuyển sang nợ xấu do ngư dân không trả nợ theo đúng cam kết ban đầu. Đối với những trường hợp ngư dân có tâm lý ỷ lại, chây ì không trả nợ thì BIDV đã nộp hồ sơ khởi kiện ra toà để đảm bảo thanh lý tài khoản, thu hồi nợ. Hiện nay thì toà đang thụ lý tất cả các vụ án, đang trong quá trình thẩm định hồ sơ để đưa ra xét xử”
Nhìn chung doanh số thu nợ đến thời điểm cuối tháng 5/2020 rất thấp, chỉ đạt 7,32% dư nợ và nợ xấu chiếm 34,06% tổng dư nợ theo Nghị định 67, với 20/65 chủ tàu bị chuyển nợ xấu. Trên thực tế, ngư dân phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi vươn khơi, đặc biệt là các tàu vỏ thép. Mỗi lần xuất bến, phí tổn của mỗi tàu vỏ thép từ 100-200 triệu đồng. Trong khi nguồn lợi thuỷ sản ngày càng giảm, sản lượng khai thác giảm, giá bán thuỷ sản thấp, khó tìm kiếm thuyền viên giàu kinh nghiệm, thiết kế con tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, và còn nhiều những nguyên nhân khác khiến ngư dân không thể trả nợ. Nhiều trường hợp tàu còn nằm bờ dài hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải tàu vỏ thép nào cũng thua lỗ. Báo cáo hằng năm cho thấy vẫn có nhiều tàu hoạt động hiệu quả, trả nợ ngân hàng tốt. Song vẫn còn nhiều trường hợp cố tình chây ì, không trả nợ. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định “ Vẫn còn tồn tại một số ít ngư dân mang tâm lý chây ì, ỷ lại. Vì quan điểm của ngư dân nghĩ rằng đây là nguồn tiền mà nhà nước hỗ trợ. Trên cơ sở đó một số tàu khó khăn không có khẳ năng tri trả thì những tàu làm ăn thuận lợi cũng chây ì theo. Họ không trả thì mình cũng không trả, tâm lý chung là vậy”
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam
Năm 1997, dự án đánh bắt hải sản xa bờ từng một thời giúp Việt Nam có một đội tàu đánh bắt xa bờ rầm rộ. Và rồi 10 năm sau, chính phủ buộc phải xoá nợ vay vốn tín dụng của nhà nước đối với các dự án không còn chủ nợ, hoặc chủ nợ không còn khả năng trả nợ. Nhiều ngư dân vẫn nhớ bài học cũ, và tâm lý cũng trông chờ rằng, nếu không trả được nợ thì đã có nhà nước hỗ trợ. Song, Chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển thuỷ sản theo Nghị Định 67 lại là “tín dụng thương mại” có hỗ trợ lãi suất của nhà nước. Tức là nguồn vốn vay là nguồn huy động của các ngân hàng
Trước thực trạng đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tình trạng nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo nghị định 67 dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này là gì?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Phan Thái Bình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nghị định 67 ra đời nhằm hỗ trợ, phát triển phương tiện mới. Tính đến thời điểm này đã phát triển được 1030 phương tiện với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên, bằng ba loại vật liệu, đó là vật liệu sắt, vật liệu Composite và vật liệu gỗ. Riêng tàu sắt đóng mới có 358 chiếc, tương đương 34,2%. Do đóng mới nên trong quá trình đóng xảy ra chuyện 40 tàu hỏng, trong đó có 21 tàu của Bình Định, còn 19 tàu khác hỏng nhỏ đã được sửa chữa khắc phục ngay. Tuy nhiên, hiện nay còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định số 67 này nằm bờ không ra khơi được. Ở đây xác định có 5-6 nhóm nguyên nhân: Một là, đánh bắt không hiệu quả, bởi vì ngư trường hiện nay quá tải. Nhóm nguyên nhân thứ hai, có hai đối tượng chủ tàu chết. Thứ ba, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động rất muốn chuyển đổi. Một số từ hiệu quả đó không tích cực tham gia, dẫn đến câu chuyện có hơn 30% đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đi bảo dưỡng là vì việc đó.
Chính vì thế, trước tình hình này chúng Bộ NN&PTNT đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách: Một, xác định rõ trước hết về vấn đề tiềm năng ngư trường của chúng ta không khuyến khích nhiều. Thứ hai là phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng theo 115 tỏ ra không phù hợp, tức là cơ chế đóng 1.030 tàu cơ chế chúng ta khuyến khích lãi suất từ 5-7% tùy khối lượng của tàu, giá trị của tàu để hỗ trợ chính sách, kìm đóng tàu lại, thay phương thức này vì phương thức này không có tác dụng nhiều và tạo ra một tâm lý, có những tâm lý cá biệt ỷ lại và theo đuổi ngân hàng rất vất vả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay một nghị quyết thay đổi đó là Nghị định 17, thay đổi hẳn không khuyến khích việc này nữa mà ai có đủ điều kiện ra khơi, ai có năng lực, ai có kinh nghiệm, ai có tiềm lực thì tự người đó đóng và Nhà nước hỗ trợ một lần, đóng xong con tàu Nhà nước hỗ trợ tối đa 35%, với trị giá từ 6-8 tỷ tùy loại công suất. Từ năm 2018 sẽ chuyển hẳn sang dạng này, đến nay có 40 chiếc làm theo kiểu này, bởi vì chỉ có dạng này thì người dân tự nguyện bỏ tiền ra, người dân có đủ điều kiện mới khai thác hiệu quả được. Đến nay phản hồi trong số 40 chiếc này có hơn 30 chiếc đã đóng xong, đi vào hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
Từ khi có nghị định 67 đến nay, cả nước đã phát triển được hơn 1000 tàu cá công suất trên 800CV bằng chất liệu sắt, composite và gỗ. Không ít những tàu cá của ngư dân cũng đã được nâng cấp để thực hiện theo nghị định này. Tuy nhiên những tàu cá này đều đang không hoạt động, hoặc nếu có hoạt động thì đều ko mang lại hiệu quả cao. Vậy điều gì đã gây ra nghịch lý này? Và làm sao để thu hồi được số nợ xấu cũng như hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển? Phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phan Thái Bình để làm rõ hơn về vấn đề này:
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã nhận lời phỏng vấn, thưa đại biểu, Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại có ý kiến chất vấn với bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về vấn đề nêu trên?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Nghị định 67 hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ về nhiên liệu, về ngư lưới cụ, bảo hiểm... là sự hỗ trợ rất lớn của Đảng và nhà nước trong bối cảnh năm 2014 tình hình biển Đông của chúng ta có nhiều vấn đề phức tạp. Việc này vừa đảm bảo cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo tồn di sản, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo Quốc phòng an ninh. Tuy nhiên thực tiễn qua giám sát chúng tôi nhận thấy việc sử dụng tàu vỏ thép này đối với ngư dân còn hạn chế. Việc ngư dân vận dụng vào khai thác thuỷ sản còn gặp nhiều hạn chế bất cập. Do vậy từ thực tiễn đó tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về vấn đề nêu trên
Phóng viên: Ngay sau khi chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đăng đàn trả lời. Đại biểu có hài lòng về nội dung trả lời của Bộ trưởng không ?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Sau khi nhận câu chất vấn của tôi, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trả lời. Tôi đáng giá rất cao, vì Bộ trưởng đã thấy được vấn đề. Thấy rõ được thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển đánh bắt thuỷ hải sản, đánh bắt xa bờ theo nghị định 67. Bộ trưởng đã ghi nhận và thực tế đã thấy được những số liệu này. Đồng thời bộ NN&PTNT đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành ngay nghị định 17 để sửa đổi bổ sung và thay đổi 1 số bất cập khi thực hiện nghị định 67.
Phóng viên: Từ khi có nghị định 67 đến nay cả nước đã phát triển được hơn 1000 tàu cá công suất trên 800CV bằng chất liệu sắt, composite và gỗ. Không ít những tàu cá của ngư dân cũng đã được nâng cấp để thực hiện theo nghị định này. Tuy nhiên những tàu cá này đều đang không hoạt động, hoặc nếu có hoạt động thì đều ko mang lại hiệu quả cao. Vậy điều gì đã gây ra nghịch lý này thưa đại biểu?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Khi thực hiện chính sách này nó đem lại mục tiêu kép. Thứ nhất là phát triển thuỷ sản, thứ hai là đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển, cho nên trong hoàn cảnh lúc đó chúng ta đặt ra vấn đề như vậy. Tuy nhiên chúng ta chưa lường trước hết được những vấn đề phát sinh mà qua thực tế khi đưa những tàu đóng mới vào đánh bắt mới nảy sinh những bất cập. Thứ nhất khi đóng mới gần 40 tàu vỏ thép ban đầu, trong đó có 19 tàu cần chỉnh sửa nhỏ sau khi chỉnh sửa có thể đưa vào hoạt động. Còn 21 tàu còn lại phải sửa mất hơn 1 năm mới đáp ứng được như vậy thời gian nằm bờ của tàu kéo dài. Thứ 2 là ngư dân của chúng ta chưa có kinh nghiệm để sử dụng tàu vỏ thep. Thứ 3 là sử dụng tàu vỏ thép tốn nhiên liệu nhiều hơn, do vậy hiệu quả kinh tế thấp do tiêu tốn nhiên liệu nhiều. Thứ 4 là ban đầu nhà nước hỗ trợ như dân 100% phí bảo hiểm. Từ bảo hiểm thân vỏ tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ nhưng sau đó đến khi thực hiện nghị định 17 lại chỉ hỗ trợ 50% bảo hiểm thân vỏ tàu. Như vây phát sinh người dân bỏ tiền ra nhiều hơn. Qua thực tế Quảng Nam chúng tôi thấy những năm hiện nay tìm kiếm lao động ngư dân đánh bắt biển càng ngày càng khó bởi lao động trên bờ ít rủi ro hơn. Hiện nay chúng ta đang thu hút đầu tư du lịch, phát triển làng nghề nên dần dần các ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ người ta sẽ lựa chọn ngành nghề khác để bớt rủi ro hơn
Phóng viên: Hiện nay nợ xấu trong lĩnh vực này tại Quảng Nam chiếm đến 52,17% tổng dư nợ xấu trên địa bàn. Qua hoạt động giám sát tại địa phương, đại biểu thấy đâu là những nguyên nhân khiến nợ xấu trong lĩnh vực này cao vẫn vậy?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Nguyên nhân tôi cho rằng thứ nhất là hiệu quả kinh tế tôi đã nói ban đầu, rất nhiều tàu phải nằm bờ. Khi nằm bờ thì không vươn khơi bám biển, như vậy sẽ không có tiền trả nợ dẫn đến nợ quá hạn và sau đso là nợ xấu. Đây là nguyên nhân đầu tiên và tôi cho rằng là nguyên nhân quan trọng nhất. Thứ 2 nữa là cam kết của ngư dan với các tổ chức tín dụng vì hiện nay chúng ta chưa có cơ chế ràng buộc. Các tổ chức tín dụng phải theo dõi các chuyến tàu đánh bắt của ngư dân khi họ đánh bắt, bán hải sản. Tuỳ vào từng chuyến và từng thời điểm để cam kết trả nợ cho ngân hàng.Nguyên nhân thứu 3 là cũng có xuất hiện tư tưởng ỷ lại. Bởi vì cho vay đến 95% và tài sản thế chấp lại là tài sản của chính con tàu. Cho nên 1 số chủ tàu nợ xấu khi ngân hàng đề nghị trả nợ họ sẵn sàng giao hẳn con tàu. Thì rõ ràng các tổ chức tín dụng ko thể nhận con tàu này được vì nhận không biết bảo quản để lâu sẽ xuống cấp. Điều nữa là chuyển nhượng thì không có ai mua. Do đó cũng cần có cơ chế trong việc chuyển nhượng những tàu cá này.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về khả năng thu hồi nợ xấu trong lĩnh vực này. Và biện pháp nào là phù hợp để giúp thu hồi nợ xấu?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Chúng ta cần thực hiện nghiêm túc nghị định 42. Với 5 năm thực hiện thì đến nay đã hết giai đoạn thí điểm nghị định này. Qua thực tiễn chúng tôi thấy rằng nghị định này có thể thu hôi nợ xấu hoặc nợ quá hạn khá tốt. Rất mong thời gian tới cho kéo dài việc thực hiện nghị đinh 42 này. Ngoài ra xem xét lại những cơ chế chính sách chưa hợp lý để hỗ trợ cho ngân hàng thu hồi được nợ. Chúng ta cần có cơ chế giúp cho ngân hàng theo dõi được lịch trình vươn khơi bám biển của các tàu. Theo tôi nghĩ cùng cần hỗ trợ cho ngư dân vì điều kiện đánh bắt gặp nhiều khó khăn về ngư trường hạn chế, thuỷ sản giảm sút nên theo tôi nghĩ nhà nươcs nên hỗ trợ theo nghị định 67 trước đây. Tức là hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm thân vỏ tàu, ngư lưới cụ để đảm bảo người dân mạnh dạn vươn khơi bám biển. Đặc biệt đối với những tàu không phù hợp, đặc biệt tàu vỏ thép trước đây được thiết kế theo thiết kế mẫu nhưng bây giờ không hiệu quả thì nhà nước cần hỗ trợ cải hoán tàu để phù hợp với điều kiện đánh bắt. Một nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là vấn đề nhiều chủ tàu không còn khả năng đánh bắt và muốn chuyển nhượng tàu. Như vậy cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ tàu cũ có thể chuyển nhượng tàu cho chủ tàu mới. Do vậy cần có cơ chế chuyển đổi để phát huy hiệu quả con tàu này, từ đó đảm bảo yêu cầu bám biển và mới khắc phục được tình trạng này.
Phóng viên: Xin trận trọng cảm ơn Đại biểu!
Nghị định 67 của Chính phủ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần phát triển ngành Thủy sản theo hướng công nghiệp và bền vững. Ngư dân được tiếp cận vận hành tàu cá hiện đại, công nghệ khai thác, bảo quản tiên tiến, ngư trường được mở rộng giảm áp lực cho khai thác vùng ven bờ. Nhiều “tàu 67” hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển đổi cho các chủ “tàu 67”; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận chính sách bảo hiểm tàu cá, thuyền viên, để yên tâm hơn khi vươn khơi, bám biển là những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ,ngành, các địa phương phải vào cuộc đồng bộ, tìm giải pháp hợp lý, phát huy hiệu quả đội tàu cá hiện đại này./.