Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ngày 23/3/2020, Chính phủ có Tờ trình số 95/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Ngày 20/4/2020, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 03/TTr-CTN gửi Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105. Căn cứ quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Tờ trình của Chủ tịch nước, Chính phủ xây dựng Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 105, cụ thể như sau:
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, cụ thể như sau: Tiêu chuẩn lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức quy định trong Công ước số 105 được quốc tế coi là một trong những tiêu chuẩn lao động cơ bản, thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động vì lao động cưỡng bức tước đi quyền tự do và phẩm giá của người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Trong hệ thống luật pháp Việt Nam, lao động cưỡng bức bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này và đã được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động... Thời điểm trước đây, vấn đề gia nhập Công ước số 105 chưa được Chính phủ đề xuất do hệ thống pháp luật Việt Nam còn một số nội dung chưa tương thích với yêu cầu của Công ước. Trong thời gian qua, nước ta đã từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế về lao động bảo đảm sự tương thích với Công ước số 105, cụ thể:
Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 1999 quy định công dân Việt Nam trong độ tuổi có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng năm. Quy định này không tương thích với điểm b Điều 1 Công ước số 105. Pháp lệnh này đã được Ủy ban Thường vụ bãi bỏ năm 2006. Luật Dân quân tự vệ năm 2009 quy định dân quân tự vệ có nghĩa vụ tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ sở. Quy định này không tương thích với điểm b Điều 1 Công ước số 105. Ngày 23/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ sửa đổi quy định này bảo đảm phù hợp với Công ước số 105.
Vấn đề phòng, chống lao động cưỡng bức đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Lao động năm 2019, đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được hoàn thiện và tương thích với Công ước số 105, đủ độ “chín muồi” để Việt Nam gia nhập Công ước này.
Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần khẳng định việc thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trên thực tế quy định nhất quán của Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Việc gia nhập Công ước số 105 đồng thời là để thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các quốc gia thành viên của ILO dù đã gia nhập hay chưa gia nhập 08 công ước cơ bản của ILO, trong đó có Công ước số 105 thì vẫn có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định trong các công ước này.
Quốc hội lắng nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Gia nhập Công ước số 105 cũng là để thực thi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); gửi đi thông điệp mạnh mẽ về đối ngoại cho cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại, khẳng định Việt Nam là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế của mình.
Tờ trình của Chủ tịch nước đã nêu cụ thể về nội dung của Công ước số 105. Chính phủ báo cáo bổ sung một số vấn đề: Công ước số 105 là công ước cùng cặp với Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, tuy nhiên, Công ước số 29 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, cụ thể:
- Công ước số 29 đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. Công ước số 105 không đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc mà sử dụng định nghĩa của Công ước số 29;
- Công ước số 29 có phạm vi điều chỉnh rộng, cấm lao động cưỡng bức ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Công ước số 105 chỉ tập trung vào việc xóa bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức quy định tại Điều 1 của Công ước trong khu vực công do nhà nước áp đặt. Các hình thức này chủ yếu là những trường hợp lạm dụng các ngoại lệ về lao động cưỡng bức đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 Công ước số 29.
- Công ước số 29 cũng quy định về một số trường hợp ngoại lệ, mặc dù về hình thức có thể có một số dấu hiệu của lao động cưỡng bức, song không bị coi là lao động cưỡng bức. Lao động của phạm nhân, lao động của học viên cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, lao động của học sinh trong trường giáo dưỡng thuộc các trường hợp ngoại lệ này của Công ước số 29.
Trình tự, thủ tục đề xuất gia nhập Công ước 105
Trình tự, thủ tục đề xuất gia nhập Công ước số 105 tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Quá trình chuẩn bị có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức liên quan như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp trong việc góp ý kiến và thẩm định đối với đề xuất gia nhập Công ước; Bộ Ngoại giao trong việc kiểm tra về sự phù hợp của việc gia nhập Công ước số 105 với các cam kết quốc tế khác của Việt Nam.
Qua rà soát cho thấy các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với các quy định của Công ước số 105 (nội dung chi tiết xin xem tại Báo cáo Đánh giá sự phù hợp giữa quy định của Công ước số 105 của ILO với quy định của pháp luật Việt Nam kèm theo hồ sơ). Vì vậy, Chính phủ không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước này sau khi được Quốc hội quyết định gia nhập.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần quan tâm một số công việc như: Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức; Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105.
Đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước 105
Việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh: Việc gia nhập Công ước số 105 của ILO (cùng với Công ước số 29 mà Việt Nam đã gia nhập) sẽ góp phần trong việc xóa bỏ các hình thức cưỡng bức lao động ra khỏi đời sống, bảo vệ tốt hơn quyền con người tại Việt Nam, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, củng cố niềm tin của người dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc gia nhập Công ước số 105 có tác động tích cực về chính trị đối ngoại, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Tác động về kinh tế - xã hội
Lao động cưỡng bức đi ngược lại các nguyên tắc của kinh tế thị trường, phương hại đến môi trường sản xuất, kinh doanh và xu thế phát triển của quan hệ thương mại quốc tế hiện nay. Lao động cưỡng bức làm méo mó thị trường kinh doanh vì doanh nghiệp tuân thủ tốt lại phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp vi phạm pháp luật sử dụng lao động cưỡng bức với chi phí lao động thấp.
Quan hệ thương mại quốc tế ngày càng không chấp nhận các loại sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Quốc gia càng phát triển càng quan tâm và có xu hướng tẩy chay các loại hàng hóa được làm ra bởi lao động cưỡng bức. Doanh nghiệp của quốc gia bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức có thể kéo theo những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với doanh nghiệp đó, mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đối với các ngành xuất khẩu và kinh tế của cả quốc gia đó.
Chính vì thế, việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO sẽ vừa góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng; vừa góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của “giấy thông hành”, giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ.
Việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong EVFTA và CPTPP. Công ước số 105 không quy định về việc bảo lưu khi gia nhập Công ước. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập và chấp nhận toàn bộ nội dung Công ước, áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ không có đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước./.