GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

20/05/2020

Chiều ngày 20/5, sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, các Bộ trưởng đã giải trình, tiếp thu một số nội dung về vấn đề này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình một số nội dung

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với viêc phê chuẩn 02 Hiệp định. Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, các phân tích sâu của các đại biểu để thực hiện 02 Hiệp định một cách có hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực thi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trước đây sẽ là những bài học quý báu để rút kinh nghiệm trong việc thực thi 02 Hiệp định này.

Về hiệu quả và ý nghĩa của Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng thống nhất với các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta càng thấy rằng rất cần phải khẩn trương kích hoạt nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới, khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, chiến lược như thị trường Liên minh Châu Âu này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tăng năng lực cạnh tranh và tiếp tục đa dạng hóa các thị trường, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ rất quan tâm và có chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo được tiến độ chung của Hiệp định; xây dựng và hoàn thiện sớm chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Hiệp định này. Các Bộ, ngành đã liên tục hoàn thiện các đề án, đến nay, nhiều địa phương và Bộ, ngành đều đã có chương trình hành động riêng của mình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu một số vấn đề

Giải trình, tiếp thu một số nội dung liên quan đến hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với việc tham gia Hiệp định, bên cạnh những cơ hội rất nhiều thì chúng ta cũng có những thách thức rất lớn khi mà cơ sở hạ tầng của chúng ta còn chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là những cản trở khi chúng ta ký hiệp định với Liên minh Châu Âu, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đối với cách doanh nghiệp Việt Nam, năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô vốn đầu tư nhỏ, khả năng công nghệ hạn chế. Do đó, để tận dụng được các cơ hội khi chúng ta tham gia Hiệp định thì vấn đề tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án, trong đó Chính phủ phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, giải quyết được các vướng mắc; khẩn trương đầu tư nâng cấp hạ tầng. Đối với doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, nâng cao năng suất lao động…

Trên cơ sở những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng…là nhu cầu tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này không chỉ đảm bảo những thuận lợi cho việc tham gia 02 Hiệp định mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác