ĐBQH ĐÔN TUẤN PHONG CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN TRONG KHAI THÁC THỦY SẢN

16/05/2020

Trước thực trạng nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao, còn sử dụng ngư cụ có tính hủy diệt, đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp khắc phục tình trạng này.

 

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu: “Nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao; còn sử dụng ngư cụ có tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản và chất lượng môi trường đang bị suy giảm...”. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng và tới đây Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ có tính hủy diệt; nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy và đã đạt được một số kết quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 về việc day manh triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 về việc hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Về công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/TP xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó có kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg và các nghề, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản; các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg tới công an, biên phòng các tỉnh/TP; đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quy chế phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển để tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển...

Về công tác tuyên truyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, VOV Giao thông, các cơ quan báo đài tổ chức phát sóng các phóng sự; tổ chức tập huấn; phát hành tờ rơi, áp phích để phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị 19/CT-TTg; các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền tới ngư dân về tác hại của việc việc sử dụng nghề, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phối hợp với cơ quan truyền thống xây dựng các phóng sự, panô, áp phích, sổ tay, tờ rơi tờ bướm; tổ chức các lớp tập huấn và Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chỉ thị 19/CT-TTg.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên tuyền nâng cao nhận thức người dân về tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản bằng nhiều hình thức công cụ phong phú, đa dạng phù hợp với văn hóa địa phương.

Kiện toàn lực lượng Kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản phù hợp với khô năng cho phép của nguồn lợi; xây dựng và triển khai Đề án cấm, hạn chế khai thác có thời hạn trong năm nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác xâm hại sang các nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm áp lực nguồn lợi vùng ven bờ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tăng cường chỉ đạo, giám sát lực lượng thanh tra chuyên ngành, các lực lượng thực thi pháp luật ở địa phương thực thi nghiêm Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật liên quan đến khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản./.

Bảo Yến

Các bài viết khác