Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ: Hiện nay việc sản xuất, tiêu thụ một số nông sản chủ lực, trong đó có hạt điều gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết, năng suất, chất lượng chưa cao; xuất khẩu sản phẩm thô còn lớn, giá cả chưa cạnh tranh... làm giảm thu nhập của người dân, doanh nghiệp, thiệt hại cho ngành điều. Xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Nhà nước sẽ cho chính sách gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành điều.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích điều của Việt Nam hiện nay là 301.022 ha (diện tích cho thu hoạch đạt 284,5 ngàn ha). Tuy nhiên, phần lớn diện tích điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa, khả năng đầu tư thấp và chưa được quan tâm đầu tư thâm canh thoả đáng, đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu, mưa trái mùa, sâu bệnh đang ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm điều, làm giảm đáng kể thu nhập của người nông dân trồng điều trong thời gian qua.
Để từng bước phát triển bền vững ngành điều, tăng thu nhập cho người nh, phát triển vùng nguyên liệu điều trong nước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, dong thời bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu hạt điều Việt Nam trên thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai: Phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 3993/QĐ-BNN-TT ngày 18/9/2014) đề ra giải pháp rà soát, điều chỉnh vùng trồng điều tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên; xây dựng vùng sản xuất điều thâm canh, cải tạo thay thế giống điều; trồng xen; chuyển đổi cơ cấu giống điều đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả để các địa phương vận dụng.
Bộ cũng đã phê duyệt Đề án trồng tái canh và ghép cải tạo thay thế giống điều giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 855/QĐ-BNN-TT ngày 16/3/2015), trong đó tái canh, ghép cải tạo khoảng 60 nghìn ha để các địa phương triển khai.
Triển khai thực hiện Dự án phát triển giống điều 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất giống gốc, giống thương phẩm phục vụ các tỉnh trồng mới, cải tạo và chuyển đổi cơ cấu giống điều.
Ban hành Quy trình trồng thay thế và thâm canh điều (Quyết định số 4497/QĐ-BNN-TT ngày 03/11/2015), Quy trình tạm thời ghép cải tạo vườn điều (Quyết định số 134/QĐ-TT-CCN ngày 8/5/2015) và Tiêu chí tạm thời về bình tuyển cây điều đầu dòng để các địa phương triển khai.
Thành lập Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững, phối hợp với Ban chỉ đạo các địa phương để thúc đẩy phát triển điều có hiệu quả, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hiệp hội điều, UBND các tỉnh trồng điều tổ chức nhiều Hội nghị sản xuất, hội nghị bàn các giải pháp phát triển ngành điều.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tạo động lực phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó có cây điều như: Nghị định số 98/2008/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung những chính sách phù hợp hơn. Đồng thời Bộ cũng đang đề xuất với Ngân hàng Thế giới xây dựng Dự án Phát triển bền vững ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả tại Việt Nam nhằm phát triển bền vững, hiệu quả ngành hàng điều, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu./.