Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo một số nội dung
Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh về Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm những nội dung chủ yếu sau: Chương 1 quy định về mục tiêu và các khái niệm sử dụng trong Hiệp định. Theo đó, mục tiêu của Hiệp định là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các Bên phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư một cách có ý thức để bảo vệ môi trường, người lao động theo các tiêu chuẩn và thỏa thuận quốc tế mà các Bên đã tham gia, đồng thời nâng cao mức sống, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế, tạo cơ hội việc làm mới và cải thiện phúc lợi chung. Chương 2 quy định về phạm vi điều chỉnh của Hiệp định và cam kết của mỗi Bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của Bên kia. Chương này không quy định quyền tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong giai đoạn chấp thuận đầu tư vì đã được điều chỉnh tại Hiệp định EVFTA. Chương 3 quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi Hiệp định. Chương 4 quy định về cơ chế tổ chức thực thi Hiệp định; theo đó, các Bên sẽ thành lập Ủy ban thực thi Hiệp định nhằm bảo đảm thực hiện và áp dụng Hiệp định này phù hợp với mục tiêu đã đặt ra. Chương này cũng quy định về các biện pháp ngoại lệ mà mỗi Bên có thể áp dụng mà không bị coi là vi phạm Hiệp định.
Về đánh giá tác động của Hiệp định EVIPA, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA đối với Việt Nam.
Về kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, theo quy định tại Điều 4.13, Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý được áp dụng của mình để Hiệp định này có hiệu lực. Như vậy, Hiệp định chỉ có hiệu lực khi Việt Nam, EU và tất cả các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn theo pháp luật của nước mình.
Về kiến nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định, để bảo đảm thi hành Hiệp định EVIPA, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản cần thiết.
Về kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định, những nội dung phân tích, đánh giá về mức độ tương thích của Hiệp định với quy định của pháp luật Việt Nam như đã trình bày tại Mục 6 cho thấy, trừ những quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài có liên quan đến EU và các thành viên EU thì việc thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định này không đòi hỏi phải ban hành hay sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo thuyết minh cũng chỉ rõ, để thi hành Hiệp định EVIPA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích mang lại từ Hiệp định này, Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu các nhà đầu tư EU nói riêng. Năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tác động lan tỏa về năng suất, công nghệ khi thu hút đầu tư từ EU. Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA, cụ thể là: Nhóm giải pháp về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định; Nhóm giải pháp kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Trên cơ sở các nội dung trên, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA gồm những nội dung sau: Phê chuẩn và áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung Hiệp định, trừ các Khoản 2,3,4 và 5, Điều 3.57 Chương 3. Cho phép công nhận và thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA tại một Nghị quyết riêng do Quốc hội ban hành, gồm những nội dung: Trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là Việt Nam theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là EU hoặc nước thành viên EU như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam. Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định này. Luật Thi hành án dân sự áp dụng đối với việc thi hành phán quyết EVIPA đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam./.