Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Danh mục chi tiết các Chương, Phụ lục, Nghị định thư, Biên bản ghi nhớ và Tuyên bố chung của EVFTA được liệt kê trong Phụ lục I của Báo cáo.
Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Về Thương mại hàng hóa, cơ bản việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA được chia thành các nhóm: Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay; Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan; Nhóm hàng hóa không cam kết.
Về quy tắc xuất xứ, các quy định về quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU thống nhất trong EVFTA có các nội dung cơ bản giống như các FTA mà Việt Nam ký kết trước đây. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất một số nội dung mới
Về các biện pháp phi thuế theo ngành, Việt Nam và EU thống nhất một số cam kết về các biện pháp phi thuế trong 2 lĩnh vực là ô tô và phụ tùng ô tô và dược phẩm và trang thiết bị y tế.
Toàn cảnh phiên họp
Về phòng vệ thương mại, Chương Phòng vệ thương mại quy định các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và tự vệ song phương) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên. Về cơ bản, nội dung về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu tuân thủ các quy định của WTO, đồng thời bổ sung thêm một số cam kết chặt chẽ về thủ tục nhằm tăng cường tính minh bạch hóa, đảm bảo tính công bằng như cam kết về minh bạch hóa, tham vấn, quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn (nếu phù hợp với lợi ích và nhu cầu của ta), xem xét thêm về lợi ích công cộng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh 3 biện pháp Phòng vệ thương mại thông thường, EVFTA quy định một cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong trường hợp có sự gia tăng hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế quan theo Hiệp định và gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, bên nhập khẩu được phép tạm ngừng áp dụng cam kết cắt giảm thuế quan theo Hiệp định đối với hàng hóa liên quan, hoặc tạm tăng thuế nhập khẩu trở lại mức thuế tối huệ quốc (MFN) áp dụng cho các thành viên WTO hiện hành hay mức thuế cơ sở ban đầu cho đàm phán (tùy theo mức thuế nào thấp hơn).
Về hải quan và thuận lợi hóa thương mại, EVFTA áp dụng một cách tiếp cận về thủ tục hải quan và kiểm soát biên giới theo hướng hiện đại và thân thiện với hoạt động thương mại qua biên giới. Hướng tới sự minh bạch và ổn định pháp lý cho doanh nghiệp,
Về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Chương này bao gồm các quy định cơ bản liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, hợp tác, minh bạch hóa, tham vấn… tương tự Hiệp định của WTO và các FTA khác. Ngoài ra, Chương này của EVFTA còn bao gồm một số nội dung mới, chưa có trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết như giám sát thị trường, ghi dấu và ghi nhãn sản phẩm.
Về thương mại dịch vụ và đầu tư, Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Trong các ngành dịch vụ, cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Về di chuyển thể nhân, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam và EU cam kết tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các nhóm đối tượng thể nhân
Ngoài ra, Báo cáo thuyết minh cũng làm rõ một số vấn đề về Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Doanh nghiệp Nhà nước; Chính sách cạnh tranh và trợ cấp; Thương mại điện tử; Minh bạch hóa; Thương mại và phát triển bền vững. EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.
Đồng thời Báo cáo thuyết minh cũng đánh rõ tác động về mọi mặt của hiệp định EVFTA tới Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn và thời điểm phê chuẩn; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần hiệp định và việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hiệp định EVFTA
Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, so với WTO và các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết (không tính đến Hiệp định CPTPP), các cam kết trong một số lĩnh vực của EVFTA có mức độ cam kết cao hơn và phạm vi cũng rộng hơn, giúp đem lại những cơ hội lớn hơn cho việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU theo hướng toàn diện, bền vững và sâu sắc hơn. Do đó, Chính phủ báo cáo thuyết minh làm rõ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.