KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 43 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG

06/04/2020

Dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 07 dự án luật và xem xét, quyết định một số nội dung khác. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 30/3, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3530/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thông báo của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung của các dự án Luật: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Bên cạnh việc cho ý kiến về các dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định theo thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 và điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và số lượng Thứ trưởng Bộ Công an theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.

Nhất trí sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 165/2016/NĐ-CP

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm khi ban hành Nghị định số 165/2016/NĐ-CP cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước về một số lĩnh vực đặc thù; phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện.

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung nội dung chi mang tính chất xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình quốc phòng, an ninh trong chi thường xuyên của quốc phòng, an ninh. Đồng thời, nhất trí cho phép chuyển nguồn sang năm sau đối với chi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trong chi thường xuyên của quốc phòng, an ninh và chi mua sắm đối với tài sản đặc biệt, các trang thiết bị chuyên dụng, đặc chủng trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo Tờ trình số 01/TTr-CP ngày 05/2/2020 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện cần bảo đảm đúng trình tự, thủ tục chuyển nguồn theo quy định của pháp luật, hạn chế số chuyển nguồn sang năm sau. Đề nghị Chính phủ bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho phép áp dụng từ năm ngân sách 2018 trở đi đối với hai nội dung chi được phép chuyển nguồn.

Đề nghị rút kinh nghiệm trong việc chậm rà soát, điều chỉnh các cơ chế đặc thù về tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước

Về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm trong việc chậm rà soát, điều chỉnh các cơ chế đặc thù về tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tiếp tục cho áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đến hết năm 2020 đối với các cơ quan hành chính nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định để bảo đảm tính ổn định, tránh biến động trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Từ năm 2021, Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương xây dựng cơ chế về quản lý tài chính và thu nhập của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đảm bảo đồng bộ, toàn diện và thống nhất, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 và điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục xem xét các nội dung nêu trên tại phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, xác định chính xác nguồn kinh phí còn dư năm 2019 chuyển sang năm 2020 của Tổng cục Thuế và nguồn kinh phí năm 2020 của Tổng cục Thuế đã được Quốc hội giao theo Nghị quyết số 87/2019/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 nhưng không có nhu cầu sử dụng để điều chuyển cho Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Học viện Tài chính. Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao./.

Bảo Yến