HỆ THỐNG GIÁO DỤC NGHÊ NGHIỆP CANADA VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

06/04/2020

Tại Hội thảo "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" do Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ, TB&HX tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra những điểm thuận lợi của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Canada và rút ra kinh nghiệm học tập cho Việt Nam.

 

GDNN: Canada được dùng để đối sánh với hệ thống của các nước ASEAN

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, với một lịch sử phát triển lâu đời, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Canada có nhiều thuận lợi hơn Việt Nam, nơi mà hệ thống GDNN có nhiều thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt, nhiều khái niệm mới liên quan đến GDNN vừa mới bắt đầu được áp dụng, mức độ phù hợp của các cách làm mới, khái niệm mới vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Ở Việt Nam, xã hội còn phần nào chưa đánh giá cao hoặc đánh giá đúng mức vị trí của hệ thống GDNN, vẫn còn hiện tượng trọng bằng cấp, thích học ở các trường đại học hơn vào cá cơ sở GDNN. Hiện nay, ở Canada hiện tượng này gần như không còn nữa, tuy nhiên 40-50 năm trước vào các trường cao đẳng vẫn là sự lựa chọn ưu tiên hai, sau đại học.  

Toàn cảnh hội thảo

Theo số liệu thống kê năm 2015, Canada có 131 trường cao đẳng công lập và 25 trường cao đẳng tư, cùng với 25 cơ sở GDNN tư khác. Hệ thống này tiếp nhận khoảng 800.000 sinh viên hàng năm (trong đó có 115.000 sinh viên học ở các trường cao đẳng tư thục). Canada không có một Bộ cấp liên bang chủ quản hệ thống giáo dục nói chung và GDNN nói riêng, trách nhiệm này do các Bộ cấp tỉnh đảm trách.

Hệ thống GDNN Canada được phát triển mạnh và có một lịch sử tương đối dài với hơn 100 năm phát triển. Với nhiều kinh nghiệm được tích lũy trong một thời gian dài, hệ thông GDNN Canada được các chuyên gia trên thế giới dùng để đối sánh với các hệ thống GDNN các nước ASEAN từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho các nước trong khu vực.

Nhiều chuyên gia đã tổng kết các kinh nghiệm của mô hình cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) Canada và đề xuất áp dụng kinh nghiệm này cho các nước đang phát triển. Các trường Cao đẳng công trên toàn Canada có các đặc tính chung là dễ tiếp cận, cho mọi người, mọi thành phần, lứa tuổi; chi phí thấp; hướng về cộng đồng; phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp và nhà tuyển dụng; lấy người học làm trung tâm; chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành và nghiên cứu ứng dụng; mềm dẻo, linh hoạt để có thể thích nghi nhanh với những thay đổi; mở tầm nhìn ra thế giới, tìm những cơ hội học tập mới và quốc tế hóa.

Hệ thống dạy nghề với mục tiêu và các chuẩn nghề nghiệp do doanh nghiệp quyết định đóng vai trò quan trọng trong hệ thống GDNN ở Canada và các chuẩn mực này ảnh hưởng tích cực đến chương trình đào tạo của các trường. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh hợp tác với nhau trong việc xác định chuẩn chất lượng để người học có đủ năng lực nghề nghiệp làm việc ở các tỉnh khác. Nghiên cứu ứng dụng cho doanh nghiệp và hợp tác với doanh nghiệp cũng được phát triển mạnh mẽ. Các trường có các cơ sở dữ liệu rất tốt, được cập nhật thường xuyên và được sử dụng trong các phân tích, ra quyết định …

Còn ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, một trong những điểm yếu của các trường cao đẳng và hệ thống các cơ sở GDNN là hệ thống thông tin.

Lấy người học làm trung tâm

Tại Canada, Hội đồng trường (HĐT) quyết định chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt, phân bổ ngân sách và các vấn đề lớn. Chủ tịch HĐT báo cáo trực tiếp và chịu trách với Bộ. Tầm nhìn, sứ mạng các trường khác nhau, từ đó tạo được các “sản phẩm” đặc trưng. Hiệu trưởng tập trung vào quan hệ với HĐT, quan hệ công chúng và doanh nghiệp; triển khai tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường, phát triển và hình thành nhóm quản lý cao cấp, quản lý dựa vào kết quả (result-based management); tìm nguồn tài trợ; tìm các biên pháp tăng sự hài lòng của các bên liên quan, hình thành nhà trường học tập liên tục.  Người học làm trung tâm trong mọi hoạt động của nhà trường.

Còn ở Việt Nam, các định chế về HĐT đã được ban hành nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Tầm nhìn, sứ mạng các trường rất giống nhau, thường rất chung chung, không rõ đặc trưng của trường. Hiệu trưởng dành nhiều thời gian cho công tác hành chính, sự vụ. Ở rất nhiều trường công, hệ thống hành chính chưa lấy người học làm trung tâm.

Phó Giáo sư Lê Quang Minh – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu

Qua nghiên cứu mô hình của trường Cao đẳng Niagara của Canada, Phó Giáo sư Lê Quang Minh – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã đề xuất 14 tính chất có thể được áp dụng cho các trường Cao đẳng Việt Nam. Cụ thể, đặt sinh viên ở vị trí trung tâm trong tất các các hoạt động của nhà trường, thể hiện qua sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị; cung cấp các chương trình đào tạo theo nhu cầu, chương trình đào tạo dựa trên hiệu quả, và kinh nghiệm học tập tích cực và chủ động.

Đồng thời, điều chỉnh sự tập trung vào các chính sách hành chính, dịch vụ hỗ trợ và quản lý mối quan hệ, giảm sự phiền lòng và các rào cản và tạo ra một môi trường hỗ trợ; tối đa việc học tập ứng dụng và tại nơi làm việc; sử dụng các phân tích để thiết kế các chiến lược dựa trên dữ liệu.

Cùng với đó, cung cấp các định hướng rõ ràng và các chính sách nhất quán; tự đánh giá hiệu quả của nhà trường một cách thường xuyên; đơn giản hóa tăng hiệu quả việc phát triển chương trình đào tạo, đổi mới, phê duyệt và quy trình triển khai để đảm bảo tính cập nhật; cung cấp các lớp có thể dễ dàng sắp xếp lại cho phù hợp với các phương pháp giảng dạy tăng tương tác giữa giảng viên và sinh viên; ghi nhận việc học có thể diễn ra bên ngoài lớp học.

Bên cạnh đó, xem sinh viên như những người học riêng biệt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ (cá thể hóa người học); cung cấp công nghệ hiện đại và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ học tập; sử dụng trao đổi thông tin nội bộ để thông báo đầy đủ cho giảng viên và nhân viên các thay đổi bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc học và và kết quả học tập của sinh viên; và dự đoán thị trường việc làm trong tương lai và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng các nhu cầu mới.

Cần chú trọng đến kỹ năng mềm và yếu tố học tập suốt đời

Về chương trình đào tạo và phương pháp dạy - học, các đại biểu cho biết, tại Canada, GDNN đào tạo hướng năng lực. Rất chú trọng và thường lồng ghép các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi vào tất cả các môn học. Tính linh hoạt, mềm dẻo và liên thông rất cao. Chú trọng đến yếu tố học tập suốt đời. Doanh nghiệp và nhà tuyển dụng tham gia vào hội đồng trường, ban cố vấn chương trình đào tạo.

Còn ở Việt Nam, đào tạo còn thiên nhiều về nội dung; chưa chú trọng đến các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi; có tính liên thông, mặc dù tinh linh hoạt, mềm dẻo còn thấp; chưa chú trong đến các kỹ năng cần thiết cho học tập suốt đời; doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của trường còn hạn chế. Rất ít trường có ban cố vấn chương trình đào tạo công nghệ thông tin áp dung trong giảng dạy cũng chưa được phổ biến rộng rải.

Qua so sánh, các đại biểu cho rằng vai trò của các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyển đổi được các trường Cao đẳng ở Canada rất được quan tâm và điều này góp phần quan trọng vào sự thành công của sinh viên tốt nghiệp, cũng như tăng mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng.

Từ đó, các đại biểu cũng các đại biểu cũng đã chỉ ra những thiếu sót về các kỹ năng mềm của các chương trình đào tạo GDNN ở Việt Nam và cũng cho thấy tầm quan trọng của các kỹ năng này dựa vào yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Từ mô hình GDNN của Canada, các đại biểu cho rằng, có nhiều bài học mà Việt Nam có thể học tập, áp dụng hoặc vận dụng có cải tiến như: cải tiến thiết kế chương trình đào tạo, cải tiến phương thức triển khai chương trình đào tạo có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực (hai chiều) với doanh nghiệp, cải tiến và thúc đẩy đào tạo kép, tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá sinh viên…/.

Thu Phương