Tham gia buổi giám sát có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Theo báo cáo của UBND thành phố Kon Tum, đến nay, toàn thành phố có 1.421 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 2,86% và 5.560 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 11,18% so với tổng số trẻ em trong độ tuổi.
Trong gần 5 năm qua (từ năm 2015 đến tháng 6/2019), UBND thành phố Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCSGD) trẻ em bằng nhiều hình thức gắn với hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ BVCSGD trẻ em gắn với các hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ cộng tác viên của 183 thôn, tổ dân phố ở 21 xã, phường; thành lập và duy trì 11 mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại 100% số xã, phường, thu hút 12.559 lượt cán bộ, nhân dân và các em học sinh tham dự.
Đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi giám sát.
Nhờ đó, việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được các ngành chức năng của thành phố thực hiện đảm bảo đúng quy định và trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, tại trại phong Đăk Kia đều được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em.
Tuy nhiên, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện 24 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có 14 trường hợp bị xâm hại tình dục. 100% trường hợp trẻ em bị xâm hại và người xâm hại đều được các cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ can thiệp và xử lý.
Tại buổi giám sát, UBND thành phố Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí cho thành phố để triển khai thực hiện một số hoạt động phát triển hệ thống BVCSGD trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thường xuyên tổ chức tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời cung cấp tài liệu tuyên truyền theo từng nội dung, loại hình xâm hại cụ thể để các đơn vị thực hiện tuyên truyền một cách đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Tô Văn Tám đánh giá cao công tác BVCSGD trẻ em của các ngành chức năng liên quan trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, UBND thành phố cần tổ chức tuyên truyền nhiều hơn nữa về tác hại của việc trẻ em bị xâm hại; nhân rộng các mô hình có liên quan đến công tác BVCSGD trẻ em; tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, nhất là các thông tin có nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức giám sát chặt chẽ các vụ bạo lực trẻ em ở cơ sở; đặc biệt, tăng cường công tác giám sát xã hội, trong đó chủ yếu là lực lượng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời các đối tượng xâm hại trẻ em; chú trọng chăm sóc các đối tượng bị xâm hại để tạo điều kiện cho trẻ em hòa nhập với cộng đồng được tốt hơn.