Hội thảo lấy ý kiến cho Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Khẳng định sự cần thiết của Đề án, đồng chí Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc nhấn mạnh: Hiện nay chính sách dân tộc do nhiều đầu mối xây dựng quản lý nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, vùng DTTS&MN là khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, dễ bị tổn thương trong cơ chế thị trường. Mặt khác, yêu cầu của thực tiễn phát triển, hội nhập và công cuộc đổi mới đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Do vậy cần phải đổi mới chính sách đầu tư cho vùng này bằng việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS&MN, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng trong cả nước.
Các ý kiến góp ý tại hội thảo cho thấy, đa số đại biểu đồng thuận và đánh giá cao nội dung đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển KT - XH vùng DTTS & MN với các đề xuất trọng tâm về tích hợp toàn bộ 118 chính sách dân tộc thành “Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS & MN”. Đồng thời, đề xuất thêm một số nội dung, giải pháp liên quan đến quy hoạch dân cư kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng cấp xã, thôn phục vụ ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS; chính sách đặc thù cho các DTTS rất ít người và vùng DTTS đặc biệt khó khăn; tiêu chí phân định vùng DTTS&MN; chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là những giải pháp tạo sinh kế bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp dựa vào sự đa dạng về văn hóa và khai thác lợi thế vùng miền...
Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành, Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp, đề xuất với tổ biên tập xây dựng Đề án để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, thuyết phục cao nhất của Đề án dự kiến trình vào Kỳ họp thứ 8 Quốc hội tới đây.