MỘT SỐ VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP 2012 CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

23/09/2019

Trong khuôn khổ phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, kết quả giám sát “việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự” cho thấy chất lượng một số văn bản hướng dẫn thi hành chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và quan trọng quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp… Thời gian qua, trên cơ sở Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC ) đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Tính đến hết năm 2018, đã có hơn 40 văn bản được ban hành. Các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên, lập danh sách tổ chức, người giám định tư pháp theo vụ việc ở từng lĩnh vực; phí, chi phí giám định tư pháp và chế độ, chính sách đối với người làm giám định tư pháp (chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; phụ cấp trách nhiệm cho giám định viên…).

Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn về giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Bộ Công an ban hành quy chuẩn về giám định kỹ thuật hình sự; hầu hết các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã xây dựng các thông tư để hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình. Các bộ, ngành đã chủ động xây dựng các quy chế phối hợp để triển khai các quy định của Luật . Một số Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cũng đã quan tâm, chủ động tham mưu, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành quy định về chế độ, chính sách, thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực làm giám định tư pháp tại địa phương mình, như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc…

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành nhưng chất lượng một số văn bản còn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa rõ ràng, khó thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số văn bản chưa được các bộ, ngành ban hành như: quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực (tài chính, ngân hàng, xây dựng, thông tin và truyền thông, văn hóa, tài nguyên và môi trường, công thương, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn…); hướng dẫn về định mức chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định ở tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý của các bộ, ngành theo quy định của Pháp lệnh về Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Một số quy chuẩn về giám định pháp y đã trở nên bất cập, không phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (như Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn quy trình giám định pháp y; Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần). Qua giám sát cho thấy ở một số bộ, ngành, một số quy chuẩn chuyên môn đã trở nên bất cập hoặc nhiều lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn chuyên môn ; tuy nhiên, các bộ, ngành này chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, đã gây khó khăn nhất định cho công tác giám định.

UBTVQH thảo luận về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật thì ở những địa phương có nhu cầu và đáp ứng điều kiện thực tế thì Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi. Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, thành phố, bên cạnh pháp y tử thi của ngành Y tế còn có cả pháp y tử thi của ngành Công an. Cá biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 05 tổ chức giám định cùng thực hiện giám định pháp y tử thi. Ở một số địa phương, công tác phối hợp trong việc trưng cầu và tiếp nhận trưng cầu chưa tốt dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ giữa pháp y y tế và pháp y công an. Trong thực tế, Công an một số tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cơ quan điều tra trưng cầu cơ quan nào giám định pháp y tử thi; điều này cũng gây những băn khoăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2015, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp để nghiên cứu, xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, văn bản này đến nay vẫn chưa được ban hành. Việc chậm trễ này có phần trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp hiện nay vẫn chưa đầy đủ, chất lượng một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn hạn chế; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương chưa thường xuyên tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm về cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong các vụ án hình sự là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi Luật Giám định Tư pháp 2012. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiến hành tổng kết thực tiễn, rà soát các vướng mắc trong lĩnh vực này để nghiêm túc khắc phục, đồng thời làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật tới đây./.

Hồ Hương